[Vietthaitoday] - Sản phẩm “Made in Thailand” (sản xuất tại Thái Lan) hay những sản phẩm có hàng chữ Thái “loằng ngoằng” đã
hiện hữu trong mỗi gia đình Việt.
Người Việt ưa dùng hàng Thái vì chất lượng và
giá cả. Cùng với đó là việc các tập đoàn lớn của Thái Lan đang lần lượt đổ bộ
vào thị trường bán lẻ trong nước khiến hàng Việt có nguy cơ thua ngay trên sân
nhà.
Người Việt ưa dùng hàng Thái
Không khó để bắt gặp hàng “Made in Thailand”
trong mỗi gia đình Việt. Từ chiếc tăm bông đến đồ điện tử và giờ đây là ô tô,
một sản phẩm vốn tưởng chừng chỉ thuộc về các doanh nghiệp Nhật Bản hay Hàn
Quốc. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2016, chỉ
tính riêng lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan đã là 10.155 xe, đứng đầu trong tổng
số 29.054 chiếc ô tô các loại nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều nước.
Từ thị trường thành thị đến nông thôn, hàng
Thái luôn hiện diện. Quần áo Thái, mỹ phẩm Thái, đồ gia dụng Thái...tất tần tật
đều có để cung cấp cho người Việt. Thậm chí ngay trong mùa hè này, que kem Thái
cũng đã hiện diện tại hệ thống một số siêu thị còn những thương hiệu kem quen
thuộc với người Việt như Thủy Tạ hay Tràng Tiền đang dần vắng bóng. Theo số
liệu từ Tổng cục Thống kê, hết quý I/2016, tổng giá trị kim ngạch hàng hóa nhập
khẩu từ Thái Lan đạt 1,8 tỷ USD, tăng gần 8,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong
số này có nhiều mặt hàng là thế mạnh của sản xuất trong nước như thuỷ sản, gỗ
và các sản phẩm từ gỗ, sản phẩm từ chất dẻo, giấy.
Không thể phủ nhận việc hàng Thái được người
tiêu dùng Việt ưa thích. Lý do đơn giản vì ngoài mẫu mã, chất lượng, giá cả,
người Thái rất biết cách “lấy lòng” người Việt, nhất là phụ nữ. Ngược dòng thời
gian từ những thập niên 90, sản phẩm son gió, phấn bông lúa hay áo phông... đã
luôn là sự lựa chọn hàng đầu của chị em. Còn hiện nay, sản phẩm Thái Lan đã
xuất hiện đa dạng phong phú hơn rất nhiều. Chỉ cần dạo qua một cửa hàng bán đồ
Thái Lan nổi tiếng trên phố Giảng Võ (Hà Nội) sẽ thấy tất cả những đồ dùng
thiết yếu cho đời sống đều hiện diện trên các kệ hàng. Người Thái cũng rất
nhanh chân trong việc tiếp cận với người tiêu dùng Việt. Hàng năm họ đều tổ chức
các hội chợ hàng Thái Lan tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ
Chí Minh để quảng bá thương hiệu Thái Lan nhằm bắn thông tin đến người Việt
rằng hàng Thái chất lượng cao, giá hợp lý.
Các nhà đầu tư lớn của Thái Lan thì nhanh tay
trong việc đầu tư mua lại các hệ thống siêu thị tại Việt Nam để làm chủ kênh
bán lẻ hiện đại. Theo đó, tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) đã mua toàn bộ
hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam)
bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan. Chuỗi
siêu thị Big C tại Việt Nam gồm 32 siêu thị, đại siêu thị và trung tâm thương
mại; 10 cửa hàng thực phẩm tiện lợi và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn
cũng đã về tay tập đoàn Central Group (Thái Lan). Trước đó, tập đoàn này đã mua
49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim cũng như mua cổ
phẩn của Lan Chi Mart, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực siêu thị hiện đại
tại nông thôn.
Như vậy sau thương vụ Big C, hệ thống bán lẻ
hiện đại tại Việt Nam đã rơi 50% vào tay người Thái. Cùng với đó là việc hàng
hóa có xuất xứ Thái Lan ngày càng hiện diện nhiều trên các kệ hàng đang khiến
hàng Việt đối diện với nhiều thách thức.
Hàng Việt làm sao để giữ được thị phần?
Ngay khi có công bố Big C thuộc về tập đoàn
Thái Lan, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã phát biểu trên
trang Vneconomy: “Khi cả Big C và Metro đều thuộc về tay người Thái, rõ ràng
doanh nghiệp Việt Nam đang bị yếu thế cả về vốn lẫn kinh nghiệm quản trị. Cuộc
đấu của một bên là các doanh nghiệp bán lẻ thuộc Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản
và phần còn lại chủ yếu là Saigon Co.op, Vingroup với hệ thống Vinmart sẽ là
thách thức cho hàng Việt Nam”.
Từng có thời hàng Việt chiếm đến 90% trên các
kệ siêu thị. Cùng với đó là các chương trình như “Hàng Việt Nam chất lương cao”
thực sự đã kéo người tiêu dùng Việt đến với sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, ưu
thế đó đã dần mất đi và nói như ông Vũ Vinh Phú, nguyên do chính là vì các
doanh nghiệp trong nước tự làm khó nhau như việc nhà phân phối dùng nhiều
phương thức ép các nhà sản xuất. “Chúng ta tự hại chúng ta. Sức ép do chính
chúng ta tạo ra chiếm 70%, còn các đối thủ ngoại chỉ 30% thôi”, ông Phú nhận
định.
Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc hàng
Việt yếu thế được các chuyên gia chỉ ra là lâu nay doanh nghiệp Việt Nam coi
trọng sản xuất mà chưa chú ý đến khâu phân phối hay chỉ chú trọng xuất khẩu mà
bỏ ngỏ thị trường nội địa. Đó là sai lầm và chỉ đến khi xuất khẩu khó khăn mới
tính quay về nội địa, phát hiện ra thị trường nội địa đầy tiềm năng. Nhưng khi
đó, thị trường nội địa đã bị các doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh với những kế
hoạch bàn bản, dài hơi.
Theo ý kiến của chuyên gia thương mại PGS-TS
Phạm Tất Thắng, để công ty Việt lấy lại vị thế, chiếm lĩnh thị trường nội địa
thì bản thân các doanh nghiệp cần phải rà soát lại từng khâu, từng bước một
cách bài bản. Các doanh nghiệp phải tùy vào từng mô hình kinh doanh để có
phương án hợp lý, linh hoạt trong cách giao hàng, thanh toán. Ông Thắng dẫn
chứng cách làm của Vingroup và một số nhà bán lẻ khác là tạo thành chuỗi sản
phẩm, đưa hàng hóa đến tận những ngõ ngách phục vụ người mua, đưa hàng Việt vào
các cửa hàng tiện lợi...là cách đi đúng hướng hiện nay.
Việt Nam đang là điểm dừng chân của các nhà
bán lẻ ngoại, nhất là doanh nghiệp Thái Lan. Đến năm 2018 thuế suất nhập khẩu
của hầu hết các mặt hàng đều giảm mạnh, đặc biệt với Hiệp định thương mại ASEAN
(ATIGA), thuế hầu hết các mặt hàng đều giảm về 0% và mức thuế suất cao nhất chỉ
là 5%. Khi đó, hàng Việt thực sự bước vào cuộc cạnh tranh sòng phẳng ngay trên
sân nhà. Và việc “người Việt dùng hàng Việt” sẽ chỉ thực sự đến khi sản phẩm
trong nước có được chất lượng sản phẩm hàng hóa tốt, giá cả hợp lý và dịch vụ
cung cấp tốt hơn hàng ngoại.
(Nguồn: Báo Công lý)
Post a Comment