(Vietthaitoday) - Luật mới về
thủ tục pháp lý dành cho những người nắm giữ vị trí chính trị của Thái Lan đã
chính thức có hiệu lực vào ngày 29-9.
Với luật mới này, cơ hội để
cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra nộp đơn kháng án liên quan tới chương trình
trợ giá gạo gây thất thoát hàng tỉ USD cho chính phủ sẽ giảm đi.
Theo tờ The Nation, luật
mới này do tờ Royal Gazette (Thái Lan) đăng tải hôm 28-9, có ý nghĩa
quan trọng đối với việc kháng án của bà Yingluck. Theo đó, mặc dù luật mới cho
phép các chính trị gia nộp đơn kháng án đối với phán quyết của tòa án tối cao, song
luật yêu cầu bị cáo phải đích thân trình diện tại tòa khi nộp đơn kháng án.
Meechai Ruchupan, người soạn thảo luật này, cho biết luật mới cũng sẽ áp dụng với
bà Yingluck.
Do đó, cựu thủ tướng Thái
Lan cần phải lộ diện nếu muốn đấu tranh cho vụ án này. Tuy nhiên, nếu vậy bà sẽ
có nguy cơ bị bắt.
Ông Meechai cho hay luật mới
cũng quy định miễn trừ thời hạn hiệu lực nếu một cá nhân bị kết án đang chạy trốn,
nghĩa là bà Yingluck sẽ phải chạy trốn hết đời nếu không muốn kháng án.
Luật sư của bà Yingluck, ông
Norawich Larlang, nói rằng ông vẫn chưa nghe thông tin gì từ thân chủ của mình
và cũng chưa quyết định có kháng án hay không. Ông Norawich nói thêm ông không
lo ngại về tác động của luật mới đối với bà Yingluck và họ sẽ hành động theo luật
mới.
Suebpong Sripongkul, người
phát ngôn của Tòa án công lý Thái Lan, lại nhìn nhận luật mới ở khía cạnh khác.
Theo ông, luật mới đem đến cho những bị cáo là các chính trị gia một cơ hội lớn
hơn trong việc kháng án. Ông Sripongkul cho hay bị cáo có thể kháng án dựa trên
các tình tiết của vụ án hoặc trên cơ sở một chi tiết chuyên môn pháp lý chứ
không nhất thiết phải có chứng cứ mới theo như luật cũ.
Liên quan tới những thiệt hại
trong vụ án trợ giá gạo của bà Yingluck, ông Noppadol Laothong, một luật sư
khác chuyên về các vụ án dân sự của cựu thủ tướng, cho hay nếu bà Yingluck được
tuyên vô tội thì bà sẽ không phải bồi thường 35 tỉ baht theo yêu cầu của Bộ Tài
chính. Về điểm này, Cục Thực thi pháp luật Thái Lan đã bị hạn chế các hành động
đóng băng tài khoản của bà Yingluck. Cục cũng đang chờ xem liệu tòa hành chính
có đưa ra phán quyết chống lại yêu cầu này theo như kiến nghị của bà Yingluck
hay không, ông Noppadol nói.
Hôm 27-9, cựu Thủ tướng
Yingluck bị tuyên án tù năm năm vì lơ là nhiệm vụ trong quản lý và giám sát chương
trình trợ giá gạo cho nông dân khiến chính phủ thất thoát hàng tỉ USD. Theo nguồn
tin thân cận với tòa án tối cao, chỉ có một trong số chín thẩm phán bỏ phiếu
cho bà Yingluck vô tội. Đó là ông Pison Pirun, chủ tịch bộ phận thanh thiếu
niên và gia đình của Tòa án Tối cao Thái Lan.
Theo PLO
Post a Comment