Bangkok Vietnam Express
Tin hót

20 May 2016

Bầu cử - kỳ vọng vào tương lai đất nước

[Vietthaitoday] - Chỉ còn ít ngày nữa, sự kiện mang ý nghĩa lớn của đất nước, bước đệm quan trọng để Việt Nam bước tiếp tới một trang sử mới của dân tộc – cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp lần thứ 14 - sẽ diễn ra trên toàn quốc.
1. Từ hòm phiếu đầu tiên
Tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, trên hệ thống trưng bày phần Lịch sử cận hiện đại trưng bày một hiện vật có liên quan đến cuộc bầu cử QH khóa I. Đó là Hòm phiếu của nhân dân xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình dùng để bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I, ngày 6/1/1946. Đây là vật chứng lịch sử cho một trong những sự kiện mang ý nghĩa lớn nhất của dân tộc Việt Nam trong suốt chặng đường phát triển đã qua.
Thời điểm đó, nước Việt Nam non trẻ vừa ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt… Do đó, nhằm củng cố và xây dựng chính quyền vững mạnh, ngày 8/9/1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 14-SL khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử bầu Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức.
bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2016
Bầu cử quốc hội lần đầu tiên năm 1946 - Ảnh: internet
Bằng ý chí mãnh liệt của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được và bằng cả niềm vui sướng, háo hức chuẩn bị chờ đợi bấy lâu nay, toàn thể nhân dân Việt Nam từ khắp nơi trên toàn quốc, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp đã dành trọn cho ngày lịch sử - ngày 6.1.1946 toàn dân đi bỏ phiếu.
Tại Hà Nội, trung tâm của cả nước, nhân dân Thủ đô đã hăng hái tham gia Tổng tuyển cử bất chấp sự phá hoại của kẻ thù. Cuộc Tổng tuyển cử ở Hà Nội diễn ra tràn đầy phấn khởi và được chuẩn bị tổ chức chu đáo. Hàng chục vạn cử tri Thủ đô đi làm nghĩa vụ công dân. Nhiều địa phương trong cả nước, cử tri cũng đã nô nức đi bầu cử.
Nhân dân đi bỏ phiếu bất chấp bom đạn của giặc Pháp. Nhiều nơi nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình. Tại Sài Gòn - Chợ lớn, quân Pháp đã chiếm toàn bộ thành phố và các vùng xung quanh. Tổng tuyển cử ở đây đã diễn ra dưới sự lùng ráp khủng bố gay gắt của kẻ thù. Ủy ban hành chính thành phố mặc dầu phải chuyển ra ngoại ô phía Tây Nam nhưng vẫn bám sát chỉ đạo nhân dân nội thành và ngoại thành tiến hành Tổng tuyển cử…
Mặc dù diễn ra trong tình hình trong nước rất căng thẳng nhưng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã được tổ chức thành công, hơn 90% cử tri - người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trong cả nước đã nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội I, thực hiện quyền làm chủ của mình. Cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử tháng ngày 6/1/1946 đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam. Thắng lợi Tổng tuyển cử mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
2. Đến kỳ vọng vào cuộc bầu cử sắp tới
Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, đến nay đã 13 lần và ngày 22/5 tới sẽ là lần thứ 14 cử tri vinh dự thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của người dân một nước tự do, độc lập.
Được biết, công tác chuẩn bị của Hội đồng bầu cử Quốc gia, đến thời điểm này mọi công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử gần như cơ bản hoàn thành. Qua theo dõi ở các địa phương, với tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt, cả nước đã sẵn sàng cho ngày bầu cử - ngày hội, ngày sinh hoạt chính trị rộng lớn, sâu sắc trong nhân dân…
bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2016
Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 - Ảnh: internet
Nói về thời gian qua một thảm họa về môi trường biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân khu vực ven biển miền Trung khiến nhiều người bức xúc, lo lắng. Thêm vào đó là những lời lẽ tuyên truyền, kích động của một số người lợi dụng vào thảm họa đó nhằm gây ảnh hưởng xấu tới cuộc bầu cử sắp tới.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia tại buổi họp báo vừa diễn ra sáng 17/5 tại Hà Nội cho biết: “Chúng ta lo lắng cho nhân dân ở những nơi bị khó khăn là điều hết sức chính đáng. Tuy nhiên, bầu cử 5 năm mới diễn ra một lần, chính là thể hiện quyền công dân được bầu chọn người thay mặt mình tham gia vào cơ quan lãnh đạo Nhà nước cao nhất ở Quốc hội và HĐND các cấp ở địa phương. Có thể chúng ta có tình cảm khác nhau, cũng có người nói quan điểm đó theo cách riêng làm bà con bức xúc nhưng không nên vì bức xúc về một việc trong thời điểm hiện nay mà từ bỏ quyền và trách nhiệm rất thiêng liêng của mình là bầu chọn ra lãnh đạo của đất nước trong 5 năm tới”.
Những vụ việc vừa qua chỉ là một phần rất nhỏ trong những vấn đề còn tồn đọng trong quá trình phát triển đất nước của dân tộc ta. Còn rất nhiều những vướng mắc, hạn chế cần giải quyết triển để như tình hình ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo, an toàn thực phẩm… đã dẫn đến những bức xúc của người dân. Đây cũng là trách nhiệm nặng nề đối với những ứng cử viên thắng cử ĐBQH, đại biểu HĐND sắp tới.
bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2016
Thế hệ trẻ nô nức tham gia bầu cử QH và HĐND các cấp năm 2011 - Ảnh: internet
Được biết, trong quá trình tiếp xúc và vận động bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND, theo quy định của luật thì các ứng cử viên đã thể hiện trách nhiệm của mình khi được bầu là ĐBQH, đại biểu HĐND. Trong các cuộc tiếp xúc đó, các ứng viên đã trình bày chương trình hành động của mình cũng như những nội dung trọng tâm trong thời gian đảm nhiệm vai trò là đại biểu của nhân dân. Chương trình hành động của các ứng cử viên không những được phát biểu ở từng quận, huyện, xã phường mà còn được truyền hình, phát thanh nên tất cả các cử tri đều biết ứng cử viên đó nói như thế nào.
Không ít chương trình hành động là lời hứa của các cử tri. Những lời hứa đó đều phản ánh quyết tâm cụ thể của các ứng cử viên ở thời điểm họ ra ứng cử. MTTQ cũng như người dân trong quá trình tổ chức việc tiếp xúc đều ghi nhận các lời hứa đó. Nhiều cử tri đã thể hiện sự quan tâm đó bằng cách đề nghị với MTTQVN tổ chức cho cử tri giám sát một cách có hệ thống, nếu ứng viên đó trúng cử xem họ có thực hiện đúng với lời hứa khi vận động bầu cử hay không?
Còn ít ngày nữa sự kiện trọng đại này của đất nước sẽ diễn ra, một lần nữa chúng ta hãy cùng đặt niềm tin vào thế hệ lãnh đạo sắp tới của dân tộc, cùng dõi theo những bước hoàn thiện, nâng cao năng lực của bộ máy Nhà nước và cùng tin tưởng vào triển vọng phát triển toàn diện của đất nước trong vòng 5 năm tới.
(Cao Thanh)


""

Post a Comment

QC
 
Copyright © 2016 Việt Thái Today
Design by FBTemplates | BTT