[Vietthaitoday]
- Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết về vụ kiện Philippines với
Trung Quốc ngày 12/7 vừa qua với những nội dung không hề có lợi cho Bắc Kinh.
Đây là lực đẩy mạnh mẽ giúp giải quyết vấn đề Biển Đông trong thời gian tới hay
chỉ góp phần làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này?
1. Điểm nhấn
trong phán quyết
Tòa trọng
tài PCA phán quyết rằng cái gọi là "đường chín đoạn" do người Hoa tự
vẽ hồi cuối những năm 1940 (mà Trung Quốc dựa vào để tuyên bố chủ quyền 90% diện
tích Biển Đông) là vô nghĩa về mặt pháp
lý. Tòa Trọng tài ở La Hay này cũng làm rõ rằng hoạt động bồi lấp gần đây của
Trung Quốc biến các rạn san hô chìm hoặc mỏm đá thành “đảo nhân tạo”... không
thể hưởng chủ quyền lãnh hải đối với vùng biển xung quanh hoặc cấm tàu thuyền
máy bay các nước khác qua lại trong đó.
Phán quyết
của PCA nhấn mạnh rằng việc luật pháp quốc tế hiện nay công nhận khiếu nại hàng
hải "truyền thống" hoặc "lịch sử" không hề liên quan trực
tiếp đến việc công nhận quyền chủ quyền đối với các tính năng có liên quan đến đất.
Luật pháp quốc tế công nhận một hòn đảo có cư dân sinh sống lâu đời cũng như
lãnh thổ đất liền có vùng lãnh hải 12 hải lý, có Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)
200 hải lý và có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa liên quan (có tính đến sự
chồng chéo với các đảo và đất liền thuộc về nước khác). Một đảo đá hoặc rạn san
hô nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều dâng cao chỉ có lãnh hải 12 hải lý xung
quanh mà thôi.
Phán quyết
PCA cũng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc có quyền xua đuổi các phương tiện của
nước khác giám sát các hoạt động của Trung Quốc “bồi đắp” và xây dựng đường
băng quân sự, kho tàng hậu cần, lắp đặt thiết bị liên lạc và một số ụ súng trên
các rạn san hô và bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Hoạt động bồi đắp và xây dựng
trái luật này đã xảy ra trên bảy địa điểm hoang sơ trong quần đảo Trường Sa: đá
Vành Khăn, đá Xu Bi, đá Gaven, đá Tư Nghĩa (tất cả các bãi đá ngầm này đều bị
ngập khi thủy triều dâng cao) và đá Gạc Ma, đá Châu Viên và đá Chữ Thập (có một
phần nhô lên khi thủy triều dâng cao, nhưng không thể ở được).
Theo
UNCLOS, các quốc gia thành viên có thể xây dựng và lắp ráp các đảo nhân tạo
trong phạm vi Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình (nhưng chỉ phục vụ cho mục
đích hòa bình). Việc biến rạn san hô ngập nước thành “đá” không thể mang lại
cho thực thể mới này một vùng lãnh hải 12 hải lý cũng như việc một tảng đá được
bồi đắp thành "đảo" không có quyền hưởng EEZ rộng 200 hải lý. Vụ kiện
Biển Đông của Philippines đã khẳng định những nguyên tắc cơ bản này.
Phán quyết
PCA cũng nói rõ rằng Trung Quốc không có quyền - ít nhất là trong trường hợp của
rạn san hô ngầm đá Vành Khăn – tiến hành các bất kỳ hoạt động xây dựng và tuyên
bố chủ quyền lãnh thổ trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
2. Viễn cảnh
ở Biển Đông
Về viễn cảnh
vọng Biển Đông sau phán quyết PCA, dư luận quốc tế có hai luồng quan điểm trái
ngược nhau. Những người lạc quan cho rằng, sau phản ứng dữ dội ban đầu, chính
quyền Bắc Kinh sẽ hiểu ra rằng cộng đồng quốc tế buộc phải có lập trường kiên định,
bởi Biển Đông là con đường hàng hải huyết mạch với 1/3 lưu lượng hàng hóa toàn
thế giới hàng năm đi qua. Phán quyết của Tòa án có thể sẽ khiến Trung Quốc phải
hãm lại việc bồi đắp, cải tạo các đảo nhân đảo tại Biển Đông, nếu như không muốn
nhận hậu quả nặng nề từ những hành động đơn phương của mình.
Trong khi
đó, bên bi quan thì cho rằng Trung Quốc sẽ gia tăng việc xây dựng cơ sở hạ tầng
trên các thực thể tranh chấp ở Biển Đông. Chuyên gia Gregory Poling của Viện
Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) lo ngại Trung Quốc sẽ có các phản ứng
quyết liệt hơn. Bắc Kinh thậm chí có thể phong tỏa hoàn toàn Bãi Cỏ Mây (Second
Thomas Shoal) do Philippines kiểm soát, khu vực vốn từng bị phong tỏa vào năm
2014. Chỉ có điều, việc Trung Quốc phong tỏa Bãi Cỏ Mây một lần nữa có thể sẽ dẫn
đến các phản ứng rất mạnh từ “không quân hoặc hải quân Mỹ”.
Theo giáo
sư luật William Burke-White, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở
La Haye đặt Trung Quốc – một cường quốc đang trỗi dậy, có tham vọng bá chủ toàn
cầu – vào thế đối đầu với một hệ thống pháp lý quốc tế được định hình sau Chiến
tranh Thế giới II. Giáo sư William Burke-White cho rằng về dài hạn, Trung Quốc
sẽ có lợi khi tuân thủ phán quyết của PCA, bởi như vậy sẽ tránh được nguy cơ
bùng nổ xung đột quân sự và điều này phù hợp với mong muốn “trỗi dậy hòa bình”
của Trung Quốc. Tác giả bài viết nhấn mạnh là, việc tuân thủ luật pháp quốc tế
cũng giúp Trung Quốc “tiếp tục gia tăng ảnh hưởng về kinh tế ngày càng lớn tại
khu vực này” và không tự biến mình thành mối đe dọa về an ninh đối với các láng
giềng.
Vẫn theo
giáo sư luật người Mỹ nói trên, Trung Quốc “không cần phải tuyên bố công khai
và rõ ràng sẽ thực thi phán quyết, mà có thể chỉ cần thay đổi một cách từ từ
trong các hành động trên thực địa và trong các phát ngôn”. Những điều mà Trung
Quốc có thể làm là giảm bớt các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông dựa trên các
thực thể đã kiểm soát và được bồi đắp thành các đảo nhân tạo hay hành xử một
cách ôn hòa hơn với tàu cá các nước hoạt động tại khu vực này, đặc biệt là hãm
tốc độ xây dựng cơ sở quân sự tại Biển Đông. Nếu như vậy, đây sẽ là “một tín hiệu
cho thấy Trung Quốc sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Người dân Philippines đổ ra đường ăn mừng sau phán quyết của PCA - Ảnh: internet |
Nhà bình
luận Ben Westcott của kênh CNN nhận xét rằng phán quyết của Tòa án Trọng tài
Thường trực (PCA) mang tính bắt buộc, cho dù không có phương tiện để buộc các
bên tuân thủ. Phán quyết PCA cũng sẽ có các hệ quả về ngoại giao, nếu Trung Quốc
từ chối tuân thủ. CNN cũng dẫn lời nhà nghiên cứu Ian Storey thuộc Viện nghiên
cứu về Đông Nam Á tại Singapore nói rằng nếu không tuân thủ phán quyết PCA, Bắc
Kinh sẽ hủy hoại uy tín của chính mình, khi chống lại các nền tảng pháp lý mà
chính Trung Quốc cam kết ủng hộ.
Nhà bình
luận Ben Westcott kết luận, cho dù khả năng Trung Quốc tuân thủ các phán quyết
PCA là không cao và nếu Trung Quốc không tuân thủ thì Philippines cũng “khó
thay đổi được trạng thái hiện nay”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia luật cho rằng
Manila một lần nữa “có thể đưa vụ việc ra Tòa trọng tài và yêu cầu tòa có các
biện pháp nghiêm khắc hơn đối với Trung Quốc”.
Tóm lại,
trước mắt, căng thẳng sẽ gia tăng tại Biển Đông và chúng ta đã nhận thấy điều
này. Nhưng về lâu dài, nếu Trung Quốc không tiếp tục tìm cách thay đổi hiện trạng
tại Biển Đông thì đây có thể là dấu hiệu tích cực. Nó giúp tạo ra ranh giới cho
thương lượng song và đa phương trong tương lai. Với phán quyết của Tòa Thường
trực thì ít nhất hiện nay đã có khung pháp lý chung để các nước căn cứ khi đưa
ra đòi hỏi của mình.
Vấn đề ở
đây là liệu Philippines và những nước đồng quan điểm như Việt Nam, Mỹ,
Indonesia, Mỹ, Nhật, Australia… có thể duy trì sức ép quốc tế lên Trung Quốc và
thuyết phục họ làm rõ những đòi hỏi của mình và tuân thủ phán quyết của Tòa. Tiến
trình này sẽ mất nhiều thời gian, bao lâu thì chúng ta chưa biết, có thể là 5
năm, nhưng chắc chắn là nó sẽ không thể diễn ra vào ngày mai./.
Vietthaitoday
Post a Comment