Trung Quốc, Asean, Vụ
kiện của Philippines với Trung Quốc, Biển Đông, tranh chấp trên Biển Đông
[Vietthaitoday] – 18/6/2016. Trước thời điểm Tòa Trọng tài thường trực
Liên hiệp quốc - PCA sắp đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines
với Trung Quốc, Bắc Kinh đang ráo riết tiến hành các biện pháp nhằm hạn chế tối
đa sức ảnh hưởng của sự kiện này.
Từ việc ASEAN không đưa ra tuyên bố chung
Trong một tuyên bố chung được đưa ra ngày
14-6 tại cuộc họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Vân Nam, các bộ trưởng
Ngoại giao ASEAN đã nhất trí kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc giải
quyết các tranh chấp biển Đông.
Trong tuyên bố, các bộ trưởng Ngoại giao
ASEAN đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây, những diễn biến
xói mòn niềm tin, đẩy căng thẳng gia tăng, và có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến hòa
bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông”.
Tuyên bố không trực tiếp đề cập tới Trung Quốc
trong việc cố tình gây ra căng thẳng hay trực tiếp đề cập đến vụ kiện của
Philippines. Tuy nhiên, tuyên bố phản đối những nỗ lực “quân sự hóa” và bồi lấp
một số đơn vị đảo, đá trên Biển Đông - ngầm chỉ việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo
và những cơ sở hạ tầng có thể phục vụ cho mục đích quân sự trên Biển Đông trong
những năm qua.
Tuyên bố này đã cho thấy thái độ mạnh mẽ hiếm
hoi của 10 nước thành viên trước các động thái ngày càng quyết liệt của Trung
Quốc ở biển Đông. Trong những tuần gần đây, Mỹ và nhiều nước đã chỉ trích Trung
Quốc vì những động thái coi thường luật hàng hải quốc tế.
Tuy nhiên, vài giờ sau khi tuyên bố được đưa
ra, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết ASEAN đã rút lại tuyên bố để tiến hành một
số thay đổi. Không có lời giải thích nào được đưa ra cho quyết định này và đến
cuối ngày 14-6, khối vẫn chưa đưa ra tuyên bố đã sửa đổi.
Một nhà ngoại giao cấp cao thuộc nước thành
viên ASEAN sau đó nói rằng ASEAN đã quyết định không đưa ra tuyên bố chung và
các nước thành viên sẽ đưa ra tuyên bố riêng nếu muốn. Trước khi rút lại tuyên
bố, các ngoại trưởng Singapore và Indonesia đã đưa ra tuyên bố riêng, trong đó
lặp lại những điểm chính trong tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN.
Theo đánh giá, một số thành viên ASEAN ủng hộ
phản ứng cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh trong khi một số thành viên khác lại
không muốn có các hành động đối kháng đối với đối tác kinh tế lớn này. Đây
không phải lần đầu tiên ASEAN không thể đưa ra tuyên bố chung trong các cuộc họp
cấp cao trước đây. Năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử khối, các bộ trưởng Ngoại
giao ASEAN cũng đã không đưa ra thông cáo chung tại hội nghị ở Campuchia.
Sự việc này cho thấy, không ít thì nhiều
Trung Quốc đã có tác động nhất định lên chính sách ngoại giao của một số nước
trong khu vực, gây nên những mâu thuẫn trong nội bộ ASEAN. Điều đó trở thành hạn
chế rất lớn đối với mục tiêu đoàn kết vì lợi ích chung của khối ASEAN.
Đến việc bịa đặt về số quốc gia ủng hộ
Trang thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho
hay, ngày 14/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã trả lời
phỏng vấn về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Trong bài phỏng vấn, người phát ngôn Lục Khảng
đã đưa ra những luận điệu như sau: “Vấn đề Biển Đông vốn chỉ là vấn đề giữa
Trung Quốc với vài nước xung quanh Biển Đông. Chúng tôi (Trung Quốc) chưa từng
tán thành quốc tế hóa vấn đề này”; “Trong tình hình như vậy, một số nước quan
tâm và hữu nghị với Trung Quốc cũng đã tìm hiểu tình hình thực tế của Trung Quốc.
Sau khi làm rõ phải trái đúng sai của sự việc, không ít quốc gia sẵn sàng bênh
vực lẽ phải, chủ trì công bằng, đưa ra những tiếng nói chính nghĩa, trong đó có
chính phủ Sierra Leona, Kenya và vài chục nước khác”; “Hiện nay, có gần 60 nước
công khai bày tỏ ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”.
Như vậy, qua nội dung trả lời báo chí của người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh tiếp tục xuyên tạc trắng
trợn nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông, tự đề cao bản thân và tìm mọi cách đổ
trách nhiệm lên các nước khác”.
Xuất phát từ ý đồ độc chiếm Biển Đông, biến
Biển Đông thành ao nhà, Trung Quốc đang cố tìm cách thao túng dư luận, ra sức
tuyên truyền xuyên tạc, đánh tráo khái niệm. Bắc Kinh tuyên bố có gần 60 nước ủng
hộ, nhưng không hề có dẫn chứng cụ thể. Được biết, một số nước đã lên tiếng bác
bỏ tuyên bố sai trái của nước này.
Tính đến thời điểm này, chỉ có rất ít các quốc
gia trên thế giới công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc về các tuyên bố chủ
quyền lãnh thổ gây tranh cãi ở Biển Đông trong số này gồm: Nga, Kazakhstan,
Kyrgyzstan, Sudan, Belarus và Afghanistan.
Trước đó, Người phát ngôn của cơ quan ngoại
giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh cũng từng đưa ra tuyên bố như vậy hồi tháng 5
vừa qua khi một mực khẳng định "hơn 40 quốc gia ủng hộ lập trường của
Trung Quốc ở Biển Đông".
Động thái này cho thấy Trung Quốc đang thực sự
lo sợ quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, tiếp tục chủ trương “đàm phán song phương”
để giải quyết tranh chấp chủ quyền. Chiêu bài “rung cây dọa khỉ” này đang được
nước này sử dụng hòng cảnh báo các quốc gia khác không nên có thái độ ủng hộ Việt
Nam và Philippines trong các tranh chấp tại Biển Đông, đặc biệt là ủng hộ
Manila trong vụ kiện tại tòa PCA.
Hậu quả tất yếu
Mưu đồ chia rẽ nội bộ ASEAN cũng như ngăn chặn
sự tham gia của các nước khác trong vấn đề Biển Đông phần nào đã đạt được hiệu
quả. Nhưng điều đó không thể loại bỏ thực tế về những hoạt động sai trái mà nước
này đã tiến hành trong thời gian gần đây.
Bắc Kinh nói “tôn trọng sự thực lịch sử và luật
pháp quốc tế” chỉ là bình phong, còn sự thực là Trung Quốc đã tự phát kiến ra
“đường lưỡi bò” (đường chín đoạn) ở Biển Đông, dùng vũ lực xâm lược quần đảo
Hoàng Sa và một số thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhảy vào tranh
chấp, trở thành nhân tố chủ yếu gây ra tranh chấp Biển Đông hiện nay.
Trung Quốc tuyên bố tuân thủ DOC, nhưng các
hoạt động xây đảo nhân tạo, quân sự hóa quy mô lớn Biển Đông do Bắc Kinh tiến
hành đã phá nát DOC, cản trở tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(COC), vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, gây quan ngại cho cả thế giới.
Trong khi cộng đồng ASEAN kêu gọi nhanh chóng xây dựng COC, nhưng Bắc Kinh lại
tìm cách trì hoãn.
Mặt khác, Bắc Kinh đang cản trở ngư dân các
nước xung quanh Biển Đông đến ngư trường truyền thống của họ, đe dọa các tàu
thuyền, máy bay các nước ở Biển Đông, dùng thủ đoạn chính trị để cản trở thương
mại hợp pháp…
Trung Quốc thường tuyên bố các hoạt động xây
dựng và quân sự hóa của họ ở Biển Đông không ảnh hưởng gì tới tự do và an toàn
hàng hải, hàng không ở Biển Đông, nhưng sự thực lại trái ngược và đã bị quốc tế
vạch trần.
Trung Quốc đang trở nên thất thế trước làn
sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Do đó, một khi Tòa Trọng tài thường
trực Liên hiệp quốc ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines, Trung
Quốc sẽ một lần nữa cô lập hóa chính mình và chịu ảnh hưởng không nhỏ cả về mặt
chính trị, lẫn kinh tế…
Trước tình hình đó, điều quan trọng đối với
những nước nhỏ như các quốc gia thành viên ASEAN là phải đảm bảo được sự đoàn kết,
nhất trí trong nội khối. Hãy dập tắt lửa từ hàng xóm trước khi để chúng lan
sang đến nhà mình./.
Vietthaitoday
Post a Comment