(Vietthaitoday) - Không bằng
cấp sư phạm và không hề nhận lương, nhưng không ít kiều bào vẫn đang miệt
mài với công việc của những người thầy để gìn giữ tiếng Việt và văn hóa dân tộc
cho các thế hệ kiều bào tại Thái Lan.
Thái Lan là một trong những
địa bàn có nhiều người Việt Nam sinh sống và học tập đến thế hệ thứ 3, 4. Do
đó, công tác giảng dạy tiếng Việt tại Thái Lan luôn được Nhà nước, Chính phủ
cùng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NNVNVNONN) (Bộ Ngoại giao)
đặc biệt quan tâm và chú trọng.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Sớm trong một giờ lên lớp. (Ảnh: NVCC) |
Tại khóa bồi dưỡng tiếng Việt
dành cho kiều bào những năm gần đây, số lượng giáo viên tại Thái Lan luôn về nước
tham gia đông đảo nhất. Vì thế, Ủy ban NNVNVNONN đang tính đến giải pháp tổ chức
những khóa bồi dưỡng riêng cho các thầy cô tại Thái Lan. Điều này nói lên tâm
huyết của những người đi gieo tiếng Việt ở một địa bàn còn nhiều khó khăn.
Tâm huyết của những mái đầu
bạc
Trở ngại trong việc bồi dưỡng
lực lượng kế cận dạy tiếng Việt ở Thái Lan đang khiến nhiều kiều bào dù tuổi đã
cao vẫn tình nguyện giảng dạy với ước vọng để các thế hệ sau không đánh mất tiếng
mẹ đẻ. Bà Đào Thị Hy, nay đã 74 tuổi là một trong những tấm gương điển hình như
vậy. Sau nhiều năm không đứng lớp, bà rất vui lại được trở về với nghề giáo.
Bà Hy cho biết, sinh sống ở
nơi xa xứ, điều bà và các phụ huynh cảm thấy rất buồn là nhiều con em Việt Nam ở
Thái Lan không nói được tiếng Việt. Khi dạy tiếng Việt, giáo viên phải dùng tiếng
Thái để giải thích thì các em mới hiểu. Vậy nên, đến tầm tuổi này rồi bà Hy vẫn
cặm cụi với giáo án, muốn được thực hiện công việc giảng dạy tiếng Việt từ lớp
vỡ lòng cho trẻ em kiều bào.
Ước muốn của bà Đào Thị Hy
cũng giống như giáo viên đã gần đến tuổi 70 Vũ Thị Sửu. Bà Sửu cho biết, trước
đây phong trào dạy tiếng Việt và văn hóa Việt đều mang tính tự phát, thiếu đồng
bộ và không bền. Ở Thái Lan, việc dạy học chủ yếu diễn ra tại nhà, do cá nhân
kiều bào đứng ra tổ chức. Cũng có nơi đã được nhà nước ủng hộ kinh phí mở trường
học tiếng Việt riêng biệt, nhưng đi vào giảng dạy lại không thể mở lớp vì thiếu
hoặc không có học sinh. Tuy nhiên, điều bà thấy mừng là những năm gần đây, bà
con kiều bào chú ý nhiều hơn tới vấn đề này và đã có sự thay đổi đáng kể về việc
học tiếng Việt trên đất Thái. Ngoài việc được công nhận và sử dụng rộng
rãi, tiếng Việt được người Thái lựa chọn như một ngoại ngữ của thời kỳ mới và bắt
đầu có vị trí nhất định ở Thái Lan.
Trong chuyến thăm quê hương
do Ủy ban NNVNVNONN tổ chức, ông Trần Văn Mai – cựu giáo viên dạy tiếng Việt tại
tỉnh Sakon Nakhon cũng chia sẻ: “Phần lớn chúng tôi không được đào tạo ở trường
sư phạm, nhưng với tình yêu đất nước đã vượt qua mọi khó khăn để truyền lửa, giữ
gìn văn hóa, tiếng Việt cho con em mình. Chúng tôi tự hào vì đã góp một phần
công sức để truyền thống văn hóa của người Việt không bị mai một và tình cảm với
quê hương bản quán được nuôi dưỡng qua các thế hệ người Việt tại Thái Lan”.
Nhóm lên những đốm lửa
Có thể nhận thấy, sự lớn mạnh
của cộng đồng người Việt tại Thái Lan hôm nay đi cùng với sự lan tỏa của phong
trào mang tên “Dạy và học tiếng Việt”. Cô Nguyễn Thị Thanh Sớm - giáo viên dạy
tiếng Việt tại tỉnh Nakhon Phanom cho biết, phong trào này đã được đông đảo bà
con hưởng ứng với phương châm “tiếng Việt còn thì người Việt còn”. Và những đốm
lửa ấy đã được nhóm lên mạnh mẽ ở cộng đồng Việt kiều tỉnh Udon Thani và tỉnh
Nakhon Phanom.
Tại đây, các lớp dạy tiếng
Việt đều do các cựu giáo viên Việt kiều tình nguyện tham gia giảng dạy, không
lương với tinh thần phục vụ cộng đồng. Các cơ sở dạy tiếng Việt dần được trang
bị bàn ghế và địa điểm học với sự hỗ trợ của Hiệp hội doanh nghiệp và Hội người
Việt Nam ở các địa phương. Nhờ vậy, lớp học thu hút cả người lớn và con em người
bản địa tới học tiếng Việt, học hát, múa và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền
thống Việt Nam.
Tại tỉnh Nong Khai, từ chỗ
phải dạy học đơn lẻ tại từng gia đình, tiếng Việt giờ đã bước chân vào một trường
Trung học cấp II, cấp III tốt nhất tại đây. Bên cạnh đó, một trung tâm ngôn ngữ
và văn hóa Việt Nam khang trang được xây dựng bằng kinh phí của bà con kiều bào
Nong Khai.
“Khi mới đi dạy, chúng tôi gặp
rất nhiều khó khăn trong việc mở lớp, vận động bà con cho con em học tiếng Việt.
Nhiều lúc nản trí, nhưng khi thấy những gương mặt trẻ thơ ngơ ngác không hiểu bố
mẹ nói tiếng Việt đã thôi thúc chúng tôi vượt qua tất cả. Giờ đây, những
lớp học tiếng Việt ngày càng được mở nhiều hơn, nhiều trường học tại Thái Lan
có nhu cầu cao về học tập văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam. Còn gì vui
hơn khi chứng kiến ở mỗi gia đình, bố mẹ nói với con bằng tiếng Việt cũng nhiều
hơn trước và khuyến khích các em học tiếng mẹ đẻ. Có thể nói, việc học tiếng
Việt ở Thái Lan đang được khơi thông và khai sáng”, cô Nguyễn Thị Thanh Sớm
nói.
Theo Báo Quốc tế
Post a Comment