(Vietthaitoday) - Chủ tịch
nước Trần Đại Quang hôm 11/11 thông báo Hội nghị Cấp cao APEC, sự kiện quan trọng
nhất trong tuần lễ cấp cao APEC, đã thành công tốt đẹp, với việc lãnh đạo 21 nền
kinh tế thành viên nhất trí thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới cùng
vun đắp tương lai chung, đồng thời thống nhất 5 nội dung quan trọng, ướng tới
xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường.
Nâng cao vị thế của nước chủ
nhà
Theo các nhà quan sát quốc tế,
với việc tổ chức thành công APEC 2017, Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của
truyền thông thế giới trong tuần qua. Những kết quả đạt được trong kỳ APEC năm
nay không chỉ thể hiện vai trò, vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế,
mà còn cho thấy APEC vẫn tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu,
nơi khởi xướng và thúc đẩy hợp tác, kết nối cũng như hội tụ trí tuệ của khu vực
và thế giới.
Thành công này được thể hiện
bằng việc APEC 2017 thu hút sự tham gia của các tổ chức quốc tế lớn như Quỹ Tiền
tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế
(OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nhiều chuyên gia phân tích và bình
luận viên cấp cao cũng tham gia vào sự kiện này và đóng góp không nhỏ cho thành
công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Đánh giá về những kết quả của
Năm APEC Việt Nam 2017, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, TS. Alan Bollard nhận
định: Việt Nam đã rất thành công trong việc đặt ra chủ đề cũng như những ưu
tiên trong hoạt động của Năm APEC 2017, đồng thời dẫn dắt một cách khéo léo để
toàn thể thành viên đạt được nhận thức chung về những chủ đề và ưu tiên đó.
APEC Đà Nẵng thành công đã khép lại một năm hoạt động sôi động và hiệu quả của
APEC, đồng thời là tiền đề mở ra các chủ đề, khởi động các chương trình, hoạt động
cho nước đăng cai tiếp theo.
Tổ chức thành công APEC
2017, Việt Nam đã thể hiện được quyết tâm cao trong việc thúc đẩy quá trình hội
nhập sâu rộng, toàn diện vào cộng đồng quốc tế, chứng tỏ bản thân là một thành
viên tích cực, chủ động và đầy trách nhiệm của APEC cũng như trên thế giới.
Ngoài nâng cao vị thế trên
trường quốc tế, việc tổ chức thành công sự kiện APEC còn giúp Việt Nam thúc đẩy
quan hệ song phương với các nước trên thế giới, đặc biệt là các cường quốc kinh
tế. Việc ký kết nhiều thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc
chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển này.
Tín hiệu tích cực thúc đẩy
thương mại và đầu tư
Daniel Muller, chuyên gia tại
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương ở Đức (OAV), cho rằng APEC 2017
diễn ra trong bối cảnh "thương mại tự do đa phương đang trong khủng hoảng
sâu sắc", đặc biệt là khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái
Bình Dương (TPP). Nhiều người cũng cảm thấy lo ngại về sự trỗi dậy của chủ
nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa song phương trong thương mại sau khi Tổng thống Mỹ
Donald Trump có bài phát biểu đề cao thương mại song phương tại APEC.
Trong thực tế, APEC không chỉ
chứng kiến nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt của thế giới mà còn là một phần
của những thay đổi đó. Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, APEC đã đạt
được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa hàng
trăm triệu người thoát đói nghèo. Ngày nay, APEC là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất
trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở
thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và là vườn ươm của các ý tưởng
mới cho tương lai.
Tuần lễ cấp cao APEC năm
2017 là một cơ hội lớn tiếp theo cho Việt Nam khi nền kinh tế chủ nhà có thể gợi
mở và dẫn dắt các thảo luận, định hướng các nội dung, làm sao để thuyết phục được
rằng các quốc gia, vùng lãnh thổ và mọi cá nhân đều có thể cùng thắng trong hội
nhập, trong toàn cầu hóa.
Trong phiên đối thoại có tên
“Tương lai toàn cầu hóa” vào ngày 8-11, các diễn giả đều khẳng định tự do hóa
thương mại, toàn cầu hóa sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Vấn đề hiện
nay APEC cần quan tâm là giải quyết các thách thức của toàn cầu hóa, xuất phát
từ những sự thay đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu...
Nhiều đại biểu nhất trí cho
rằng, APEC cần tiếp tục các nỗ lực duy trì thương mại mở và tự do và thuận lợi
hóa đầu tư; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Báo cáo của APEC về triển vọng
kinh tế ngắn hạn chỉ ra rằng, tăng trưởng GDP của khu vực APEC đạt 3,9% năm
2017, so với mức 3,4% năm 2016, vượt mức bình quân của toàn cầu là 3,6%. Năm
2018, khu vực APEC dự kiến sẽ có mức tăng trưởng GDP tiếp tục vượt mức bình
quân toàn cầu.
Việt Nam gửi thông điệp mạnh
mẽ tới quốc tế
Tham dự các sự kiện chính của
Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam đều
chuyển thông điệp mạnh mẽ về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, hội nhập
mạnh mẽ, con người Việt Nam nghĩa tình, thân thiện và mến khách.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang
khẳng định: “Trải qua hơn 30 năm đổi mới và gần 20 năm tham gia APEC, Việt Nam
đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã trở
thành một nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình, một mắt xích quan
trọng trong mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do. Là một trong những nền
kinh tế có độ mở lớn, tương lai của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ngày càng gắn
kết chặt chẽ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều nền kinh tế thành viên
APEC đang và sẽ tiếp tục là những nhà đầu tư lớn nhất và những đối tác thương mại
hàng đầu của Việt Nam”.
Vietthaitoday
Post a Comment