[Vietthaitoday] - Cựu Thủ tướng Thái Lan
Yingluck Shinawatra đã đi đến vùng nông thôn mua gạo rồi bán trực tiếp ở
Bangkok để hỗ trợ nông dân trong cơn khủng hoảng giá gạo.
Giá gạo giảm mạnh gây ra khủng hoảng ở
khắp các vùng nông thôn Thái Lan và nông dân đang cầu cứu chính quyền, hy vọng
về một gói giải cứu cũng như tìm kiếm đầu ra nhằm giải quyết tình trạng bất ổn.
Cựu Thủ tướng Yingluck, người đã bị lật
đổ trong cuộc đảo chính năm 2014, cũng đã có nỗ lực nhằm hỗ trợ nông dân.
Trong nước cờ mới nhất của bà Yingluck để
kết nối và khẳng định sự trung thành với Đảng của bà mà không vi phạm lệnh cấm
về chính trị, bà đã đi về vùng nông thôn ở phía Đông Bắc, mua một số xe tải chở
gạo từ nông dân gặp khó khăn.
Hôm 5/10, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra
đã hỗ trợ nông dân nước này bán hết 10 tấn gạo thơm Jasmine trong vòng khoảng
một giờ đồng hồ.
Hàng trăm người ủng hộ đã đến mua gạo và
hét lên với sự vui mừng. "Tôi ở đây để mua gạo từ Yingluck. Tôi đang làm
việc đó để giúp đỡ bà ấy vì bà ấy cũng sẽ giúp chúng tôi", Umaporn
Kaewthongkha, một tài xế xe ôm 60 tuổi nói thêm.
"Bà ấy tốt bụng, xinh đẹp và luôn
giúp đỡ người nghèo khi có thể", ông Umaporn cho biết thêm.
Một số công ty dầu khí Thái Lan cũng tham
gia chương trình bán gạo để hỗ trợ nông dân vượt qua cơn khủng hoảng. Tập đoàn
PTT Plc cho phép các nông dân bán gạo tại 1.400 trạm xăng của tập đoàn trên
khắp Thái Lan mà không thu phí. Còn Công ty BCP đang chuẩn bị mặt bằng tại hơn
100 trạm xăng của mình để bán gạo hỗ trợ nông dân từ ngày 7/11.
Chính phủ Thái Lan cũng đã đưa ra một số
biện pháp để ứng phó cuộc khủng hoảng giá gạo. Ủy ban Quản lý gạo Thái Lan hồi
tuần trước thông báo sẽ cấp các khoản vay với tổng trị giá 45,3 tỉ baht (1,29
tỉ USD) cho 2 triệu hộ nông dân để cải thiện giá gạo. Điều kiện cho vay là nông
dân phải tích trữ gạo trong 6 tháng nhằm giảm nguồn cung vào thị trường.
Yingluck và người anh trai tỷ phú Thaksin
của bà, cũng là một cựu Thủ tướng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006,
luôn giành được sự yêu thương của những người nghèo ở nông thôn và thành thị -
những người thường bị áp bức. Nhưng các nhà phê bình lại cho rằng bà Yingluck
cũng như một số chính trị gia khác đã từng có hành vi tham nhũng.
Các nhà phân tích nói rằng chính quyền
quân sự cầm quyền hiện tại đã cố gắng ngăn ngừa sự trở lại của “nền chính trị
gia đình”. Yingluck hiện đang phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam và chịu số
tiền phạt lên đến 1 tỷ đô do chính sách lúa gạo của chính mình lúc còn đương
nhiệm gây thất thoát nghiêm trọng./.
Theo Báo Đời sống và pháp luật
Post a Comment