[Vietthaitoday]- Ngày 6/8 năm nay,
Việt Nam-Thái Lan kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhân dịp này,
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước
ngoài Vũ Hồng Nam chia sẻ với Đại Đoàn Kết về cộng đồng người Việt tại Thái
Lan.
PV: Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho
biết đôi nét về cộng đồng kiều bào tại Thái Lan?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Số kiều bào
sinh sống, làm ăn tại Thái Lan hiện có khoảng trên 100 ngàn người, sống rải rác
ở hầu hết các tỉnh của đất bạn nhưng tập trung đông nhất là tại vùng Đông Bắc.
Sự hình thành, phát triển của cộng đồng Việt tại Thái có một số mốc quan trọng.
Trước khi hai nước thiết lập quan hệ
ngoại giao, chính sách của Thái Lan đối với kiều bào của ta có những hạn chế,
có phân biệt nên bà con rất khó khăn. Có một số thế hệ sinh ra ở đó cũng không
được công nhận quốc tịch, không được đi học.
Kể từ khi thiết lập, bình thường hóa
quan hệ, chính sách của bạn bắt đầu nới lỏng dần. Con cháu có dòng máu Việt
sinh ra ở Thái Lan bắt đầu được cấp giấy khai sinh, quốc tịch.
Vậy, kiều bào tại Thái nhận được sự
quan tâm như thế nào từ Chính phủ Thái, thưa ông?
- Trong quan hệ hai nước vấn đề kiều
bào luôn là một vấn đề lớn trong chương trình nghị sự. Trải qua nhiều giai
đoạn, nhưng dấu mốc quan trọng hơn cả là vào năm 1998, khi Chủ tịch nước Trần
Đức Lương thăm Thái Lan. Chúng ta có thỏa thuận, bạn cũng đã có quyết sách.
Kể từ đó, bạn đã cấp toàn bộ giấy
tờ, quốc tịch cho tất cả công dân người Thái gốc Việt; người Việt định cư lâu
năm tại Thái Lan. Cho đến nay hầu hết người Việt, những người di cư sang Thái
Lan đều đã trở thành công dân của Thái Lan; đã được hưởng đầy đủ trách nhiệm và
quyền lợi của mình.
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng,
tạo bước ngoặt lớn để bà con hòa nhập với xã hội Thái. Con em được đi học, được
quyền mua nhà cửa, được quyền kinh doanh. Từ năm 2000 đến nay sự phát triển về
kinh tế của bà con rất mạnh. Có nhiều
doanh nghiệp kiều bào thành đạt trên đất Thái. Đời sống của bà con thay đổi rất
nhiều. Đặc biệt, các cháu được học hành, tạo ra một thế hệ trí thức người Việt.
Người Việt tại Thái Lan có nhiều người giỏi trên hai lĩnh vực: Pháp luật và
ngoại khoa.
Cộng đồng Việt tại Thái Lan duy trì
đời sống văn hóa tinh thần như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Chính phủ Thái Lan đã tạo điều
kiện để bà con duy trì đời sống văn hóa. Phía bạn đã đồng ý để chúng ta mở các
khu di tích, tưởng niệm Bác Hồ tại Thái. Hiện chúng ta đã có 4 khu di tích
tưởng niệm Bác Hồ. Tháng 5 vừa qua, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên
đã sang khai trương khu tưởng niệm Bác tại Nakhon Phanom- đây là khu tưởng niệm
Bác Hồ lớn nhất ở ngoài Việt Nam mà tôi được thấy.
Ngoài ra, chúng ta có khu di tích
Bác Hồ ở Udon Thani. Khu tưởng niệm Bác Hồ ở Phichit. Cộng đồng người Thái gốc
Việt là cộng đồng có tình cảm sâu nặng với Bác. Trong sinh hoạt cộng đồng bao
giờ bà con cũng hát những bài hát về Bác, về Đảng và về cách mạng. Trong những
buổi lễ như vậy người ta thường tặng nhau những bức chân dung Bác Hồ mà họ tự
vẽ, tự chụp, tự làm khung rất đẹp thể hiện lòng kính yêu Bác rất sâu đậm.
Với sự chấp thuận của Chính phủ
Thái, cộng đồng Việt cũng có tổ chức riêng của mình gọi là Hội người Việt Nam
toàn Thái Lan, mà không phải ở nước nào cũng có cùng nhiều chi hội tại các
tỉnh. Đây là nơi kết nối vận động bà con để bà con hiểu tuân thủ luật pháp Thái
Lan và có các hoạt động hướng về quê hương. Nhờ sự nỗ lực của cộng đồng và sự hỗ
trợ của Chính phủ Thái Lan và nhà Vua Thái, cộng đồng của chúng ta có vị thế
lớn trong xã hội của bạn.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Đại đoàn kết
Post a Comment