[Vietthaitoday] - Việc hiện diện tại Việt Nam nằm trong chiến
lược AEC+3 của Kasikorn Bank (KBank - Thái Lan) và khi có cơ hội, Ngân hàng có
thể sẽ thành lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam. Đó là chia sẻ của bà
Kattiya Indaravijaya, Chủ tịch KBank khi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán.
KBank liên tiếp mở văn phòng đại
diện tại Hà Nội và TP. HCM trong năm 2015. Liệu đây có phải là chiến lược mở
rộng vùng phủ sóng ra khu vực, thưa bà?
Đúng vậy. KBank đang có kế hoạch
theo chiến lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN+3 (AEC+3), trong đó +3 bao gồm Trung
Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trên thực tế, chúng tôi mong muốn gia nhập thị trường
Việt Nam từ vài năm trước. Chúng tôi đã có cơ hội mua một ngân hàng Việt Nam,
nhưng thương vụ không thành công vì không thống nhất được các chi tiết.
Bà có thể chia sẻ mục tiêu của KBank
khi hiện diện tại Việt Nam?
KBank vào Việt Nam, lý do đầu tiên
là theo bước chân của các doanh nghiệp Thái Lan. Một điều phải khẳng định là
kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn so với các nước khác nên rất nhiều doanh
nghiệp Thái Lan đã và đang hoạt động tại Việt Nam. Tất nhiên, chúng tôi cũng
đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng khi đến với Việt Nam. Song trước khi tính đến
việc đi xa hơn, chúng tôi bắt đầu bằng việc cố gắng phục vụ khách hàng là những
doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam một cách tốt nhất có thể. Tiến tới phục vụ
khách hàng Việt Nam là giai đoạn tiếp theo của KBank. Chuẩn bị cho giai đoạn
này, chúng tôi đã xúc tiến một vài thương vụ đầu tư và sẽ sớm đi đến giai đoạn
ký kết.
Khi mở văn phòng đại diện tại Việt
Nam, KBank có gặp khó khăn gì không?
Khi mở văn phòng đại diện hoặc chi
nhánh tại những quốc gia trong chiến lược của chúng tôi, bao gồm Việt Nam,
chính phủ và các cơ quan quản lý rất ủng hộ KBank. Tôi nghĩ, đây cũng là cách
các quốc gia đang cố gắng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, phòng ngừa, hạn chế rủi
ro là điều chúng tôi quan tâm nhất. Chúng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì mà
không thực sự hiểu rõ. Trong đó, chúng tôi quan tâm đến hoạt động quản trị
doanh nghiệp tại các quốc gia chúng tôi đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi quan tâm
đến vấn đề sở hữu chéo, nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ của một công ty này dẫn đến sự
đổ vỡ của một công ty khác. Sở hữu chéo cần minh bạch để chúng tôi có thể hiểu
được những rủi ro liên quan. Như tôi đã chia sẻ, chúng tôi cần phải nhìn thấu
rủi ro rồi mới tiến hành phân tích đầu tư.
Đã có một số ngân hàng nước ngoài
thành lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam. KBank có kế hoạch này hay không?
Tiến xa hơn trong hoạt động tại thị
trường Việt Nam là kế hoạch mà KBank dự định thực hiện. Khi cơ hội đến, KBank
có thể sẽ mua lại một ngân địa phương hoặc thành lập ngân hàng 100% vốn nước
ngoài.
Trường hợp mua lại ngân hàng địa
phương, chúng tôi sẽ phải tiến hành rất nhiều công việc liên quan đến luật pháp
quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam và có thể mất nhiều thời gian. Tuy nhiên,
các nhà đầu tư của chúng tôi muốn tiến hành hoạt động này, bởi có thể tận dụng
thế mạnh của một ngân hàng địa phương đang tồn tại. Trong hai cách trên, bất cứ
cách nào đến trước, chúng tôi sẽ nắm lấy cơ hội./.
Theo Báo Đầu tư Chứng khoán
Post a Comment