Bangkok Vietnam Express
Tin hót

6 Jul 2016

Vụ kiện Philippines – Trung Quốc: Trước giờ phán xét

tranh chấp biển Đông, vụ kiện Philippines - Trung Quốc, PCA, tòa án La Hay
[Vietthaitoday] - Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) về vụ kiện mà Philippines đệ trình liên quan các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sắp tới có thể là một trong những phán quyết với những hệ quả lớn và lâu dài nhất trong lịch sử PCA.
1. Bối cảnh
Philippines đang tìm kiếm một tuyên bố hợp lý từ tòa, trong đó nêu lên được quyền và trách nhiệm tương ứng của cả hai nước với vùng biển, đáy biển, và các thực thể trên biển ở Biển Đông được quy định theo Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và tuyên bố của Trung Quốc dựa trên “các quyền lịch sử,” tức cái gọi là “đường chín đoạn” của nước này, là không phù hợp với công ước và do đó không có giá trị.
Thứ hai, Philippines muốn xác định một số thực thể cụ thể tại Biển Đông mà cả hai nước này tuyên bố chủ quyền được gọi tên chính xác ra sao: “đảo”, “đảo đá”, hay “bãi nửa chìm nửa nổi”.
Việc gọi tên này rất quan trọng vì nếu được định nghĩa là “đảo” theo công ước, chúng có thể kèm theo một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay các quyền với khu vực thềm lục địa. Tuy nhiên, nếu được định nghĩa là “đảo đá”, chúng sẽ chỉ có chủ quyền trong phạm vi 12 hải lý. Nếu là “bãi nửa chìm nửa nổi” thì không có chủ quyền gì cả.
Hầu hết các thực thể mà Trung Quốc hiện chiếm đóng là những “đảo đá” và “bãi nửa chìm nửa nổi”, tức tối đa họ cũng chỉ có chủ quyền trong phạm vi 12 hải lý kể từ đó. Tòa nhiều khả năng sẽ tuyên các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc thời gian qua không thể làm thay đổi bản chất pháp lý của các thực thể đó. Nếu tòa khẳng định không thực thể nào được tuyên bố EEZ, phán quyết sẽ tước bỏ hầu hết tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
tranh chấp biển Đông, vụ kiện Philippines - Trung Quốc, PCA, tòa án La Hay
PCA chuẩn bị đưa ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông - Ảnh: Internet
Và thứ ba, Philippines muốn Tòa tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi ngăn chặn ngư dân Philippines kiếm sống bằng nghề đánh cá ở bãi cạn Scarborough, gây tổn hại cho môi trường biển bên trong vùng chủ quyền của Philippines, và tiến hành “những hoạt động nguy hiểm” nhắm vào ngư dân Philippines.
Trung Quốc đã từ chối tham gia phiên tòa và đăng một “tuyên bố lập trường” giải thích lý do không tham dự quá trình tố tụng cũng như khẳng định lại “quyền lịch sử” với các thực thể ở biển Đông.
Tuy nhiên, nguyên tắc thành lập của tòa PCA đã nói rõ “sự vắng mặt hay không chịu tranh biện cho quyền lợi của mình của một bên không thể là lý do cản trở quy trình tố tụng,” có nghĩa là Trung Quốc vẫn là một bên của tòa trọng tài và chịu sự ràng buộc của bất kỳ phán quyết nào từ tòa.
2. Phản ứng của Trung Quốc trước thời điểm công bố
Trong khi giới chức tại Mỹ, Nhật và Đông Nam Á đang mong chờ ngày Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết cuối cùng, thì Trung Quốc lại tỏ ra hờ hững bất thường.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây đã nói rằng: “Chúng tôi không biết và cũng không quan tâm khi nào họ ra phán quyết, và bởi quyết định của họ cũng không có ý nghĩa gì nên chúng tôi cho rằng dù có thế nào, đó cũng là những phán quyết sai lầm…”. Việc Trung Quốc dự kiến phủ nhận phán quyết của PCA bị coi là hành động phớt lờ trật tự luật pháp quốc tế và là thách thức trực tiếp đối với các nước liên quan.
Tuy nhiên, dù một mặt vẫn khăng khăng tuyên bố không quan tâm tới phán quyết của PCA, mặt khác Trung Quốc lại nỗ lực tăng cường tuyên truyền quốc tế về quan điểm của mình về vấn đề này. Điển hình, Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc họp với các nhà ngoại giao và báo giới, tích cực thể hiện và tung ra quan điểm phản đối quyền phán quyết của tòa PCA cũng như tính chính đáng của các hoạt động cải tạo các đảo nhân tạo của Trung quốc thời gian qua ra khắp thế giới qua hàng loạt bài viết và xã luận.
Về quân sự, Trung Quốc đang ráo riết tiến hành tập trận trong vòng một tuần trên khu vực rộng hơn 100.000km2, bao trùm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cuộc thao dượt quân sự này dự kiến sẽ kết thúc một ngày trước khi Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện.
tranh chấp biển Đông, vụ kiện Philippines - Trung Quốc, PCA, tòa án La Hay
Người dân Philippines phản đối các tuyên bố chủ quyền của TQ trên Biển Đông - Ảnh: internet
Theo thông báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc, cuộc tập trận sẽ diễn ra từ ngày 5 tới 11/7, và trong khoảng thời gian này, tàu bè sẽ bị cấm vào vùng lãnh hải diễn ra sự kiện này.
Ông Malcolm Cook, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng: "Nhìn chung, cuộc tập trận cho thấy Trung Quốc muốn chứng tỏ quyết tâm bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình ở biển Đông. Việc Bắc Kinh nói sẽ chặn các tàu bè cho thấy Trung Quốc coi đó là vùng đặc quyền của mình, chứ không coi đó là vùng biển quốc tế còn xảy ra tranh chấp”.
3. Dự báo phản ứng từ Trung Quốc nếu Philippines thắng kiện
Theo phân tích của ông Harry J.Kazianis, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về an ninh quốc phòng của tổ chức nghiên cứu Potomac Foundation và tạp chí an ninh The National Interest, Trung Quốc có nhiều phương án có thể đưa ra nhưng tất cả đều không có lợi cho cục diện khu vực hiện nay.
Phương án thứ nhất khi bị thua kiện, Trung Quốc không làm gì và xem như mặc nhiên chấp nhận phán quyết, nhưng có thể sẽ âm thầm bước qua giai đoạn mới để khẳng định chủ quyền. Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố các đảo nhân tạo, xây dựng đồn trú và trang bị vũ khí đầy đủ với tên lửa đối đất, đối không và các chiến đấu cơ.
Tuy nhiên, theo nhận định của Harry J.Kazianis, ít có khả năng Bắc Kinh chọn kịch bản này vì nếu bị xử thua, phe dân tộc chủ nghĩa sẽ gây áp lực rất lớn với ông Tập Cận Bình, đòi hỏi một phản ứng mạnh bạo hơn, bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc vượt tầm Biển Đông.
Do đó, rất có thể Bắc Kinh sẽ chọn phương án thứ hai, được xem có "xác suất cao nhất": Tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng Biển Đông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ viện lý do phán quyết của PCA đe dọa an ninh Trung Quốc. Với những căn cứ quân sự trái phép ở Hoàng Sa và lực lượng hải quân, không quân, tên lửa bố trí trong khu vực này, Trung Quốc hội đủ các yếu tố để tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, còn thi hành hay không là chuyện khác.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể tăng cường các hoạt động để "châm ngòi" vào các điểm nóng tại châu Á mà nhà phân tích Harry J.Kazianis gọi là hung hăng. Cụ thể, Trung Quốc sẽ gia tăng hoạt động hải quân, không quân ở biển Hoa Đông để chọc giận Nhật Bản. Trung Quốc cũng có thể tiếp tục hoặc bắt đầu bồi đắp mới các thực thể trên biển mà họ đang kiểm soát, bao gồm bãi cạn Scarborough. Trung Quốc đã chiếm bãi cạn này năm 2012, là thực thể do Trung Quốc chiếm giữ ở gần Philippines nhất.
tranh chấp biển Đông, vụ kiện Philippines - Trung Quốc, PCA, tòa án La Hay
TQ có thể gia tăng các hoạt động làm căng thẳng trên biển Đông sau phán quyết của PCA - Ảnh: internet
Hơn thế nữa, Trung Quốc cũng có thể gia tăng thêm ảnh hưởng ở ASEAN để cản trở việc khối này nhất trí được với nhau về việc gây áp lực buộc Trung Quốc thay đổi hành vi. Trung Quốc thậm chí có thể nhất trí về một Bộ quy tắc ứng xử với ASEAN để hạ nhiệt nỗi lo sợ về Trung Quốc ở khu vực này, nhưng chỉ nếu văn bản đó không trói tay Trung Quốc.
4. Đánh giá
Các nhà phân tích phương Tây và Trung Quốc cho rằng phán quyết của PCA không đơn thuần chỉ là về các tuyên bố của Trung Quốc tại Biển Đông mà nó còn liên quan tới căng thẳng Mỹ - Trung nảy sinh từ sự trỗi dậy của “con rồng châu Á”. Chuyên gia về an ninh Trung Quốc Zhang Baohui tại Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong nhận định những gì đang diễn ra phản ánh thực tế là sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đang dần suy yếu. Ông nói: “Trung Quốc giành được ảnh hưởng qua việc thể hiện cho Mỹ thấy rằng Mỹ không thể ra lệnh cho Trung Quốc”.
Mặt khác, Trung Quốc và các nước khác sẽ phản ứng lại ra sao cũng sẽ có ý nghĩa rất quan trọng với các nhà lý thuyết quan hệ quốc tế và luật quốc tế trên phương diện tuân thủ các giá trị của luật hàng hải quốc tế, trong trường hợp này là UNCLOS.
Phải nhấn mạnh rằng PCA sẽ không đưa ra bất kỳ phán quyết nào về chủ quyền ở biển Đông (phân xử xem nước nào có chủ quyền ở đâu) hay thiết lập các ranh giới trên biển (của các vùng chồng lấn).
Tuy nhiên, giới chuyên gia pháp lý cho rằng dù trên lý thuyết, phán quyết của tòa mang tính ràng buộc, song thực tế là chưa có bất kỳ cơ chế nào đảm bảo việc thi hành các quy định của UNCLOS.
Trong dài hạn, trong trường hợp phán quyết làm rõ ràng phạm vi tranh chấp và quyền, nghĩa vụ các bên liên quan thì sẽ làm giảm các “cơ sở pháp lý” của các hoạt động vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế, qua đó có thể làm giảm một số động lực của các hoạt động gây căng thẳng. Tuy nhiên, diễn biến tình hình không chỉ phụ thuộc vào các vấn đề pháp lý mà sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như tình hình nội bộ TQ, quan hệ Mỹ-Trung, chính sách của Tổng thống mới của Mỹ, Philippines, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, tính đoàn kết của ASEAN…
Vietthaitoday


""

Post a Comment

QC
 
Copyright © 2016 Việt Thái Today
Design by FBTemplates | BTT