đại sứ
quán Việt Nam tại Thái Lan, đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, đại sứ quán Việt Nam
tại Thái Lan bảo hộ công dân
[Vietthaitoday]
- Ông thấu hiểu giá trị của hai chữ “tự do” đối với những ngư dân Việt nguyện một
đời gắn với biển khơi bao la nhưng chỉ vì đi lạc đường hay phiêu lưu sang vùng
biển nước bạn mà phải ngồi sau song sắt xứ người. Vì vậy, ông luôn tâm niệm phải
làm việc bằng cả con tim và khối óc giúp họ trở về quê hương.
Ông chính
là Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành.
“Nhất nhật
tại tù...”
Ông Thành
kể: Thời gian qua, ngày nào theo dõi thông tin, tôi cũng lo sẽ có thêm ngư dân
Việt Nam bị bắt. Chỉ trong khoảng hai tháng , hàng chục tàu cá với trên 200 ngư
dân Việt Nam bị phía Thái Lan bắt giữ. Theo luật pháp của nước sở tại, họ sẽ phải
ngồi tù nếu bị xác định là đã vi phạm vùng biển nước này.
Đại sứ Nguyễn Tất Thành thăm ngư dân Việt Nam bị bắt tại tỉnh Pattani - Ảnh: internet |
Gần đây
còn có hiện tượng một số tàu bị phát hiện có mang theo loại lưới quét bị chính
quyền Thái Lan cấm sử dụng, hay có tàu còn đánh bắt cả cá heo (loài cá quý hiếm
được quốc tế bảo vệ). Đây là vấn đề liên quan tới ý thức pháp luật của ngư dân,
nhất là tài công. Tôi chắc đa số ngư dân Việt Nam không biết rằng việc đánh bắt
cá heo, ngoài việc bị phạt tiền, có thể bị phạt tù giam lên tới 4 năm, áp dụng
như nhau đối với cả tài công và ngư dân. Việc sử dụng lưới quét cũng là một
tình tiết tăng án tù đáng kể. Đương nhiên, một số người có thể “làm liều”,
nhưng đó chỉ là số ít. Những người này rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính
quyền và người dân địa phương.
Tôi đã có
dịp gặp ngư dân ta ở trong nước, nay sang đây lại gặp họ. Trước đây, họ phóng
khoáng, mạnh mẽ và yêu đời, nay trong trại giam ở Thái Lan, họ buồn, tiếc nuối
và nhớ nhà. Nhiều người không thể tự giải thích vì sao họ phải ở đây? Tôi tin rằng
nếu ngư dân thực sự biết việc mình đang làm và những hậu quả tất yếu của nó đối
với bản thân và gia đình, hiểu rõ luật pháp và các chế tài của Thái Lan, họ sẽ
cẩn thận để không đi lạc sang hay đi vào vùng biển nước khác.
Công việc
bảo hộ công dân đòi hỏi cả khối óc và trái tim. Đôi khi, Đại sứ cần tham
gia trực tiếp để nắm bắt được vấn đề,
xác lập các mối quan hệ lâu dài và tạo cơ sở bảo hộ tốt nhất cho công dân.
Trước năm
2015, chưa có cán bộ nào của Đại sứ quán Việt Nam có thể đến tận nơi thăm ngư
dân ta ở các tỉnh miền Nam Thái Lan, chủ yếu do tình hình an ninh có nơi, có
lúc chưa thật bảo đảm. Công tác bảo hộ ngư dân của Đại sứ quán được triển khai
chủ yếu thông qua trao đổi với đại diện Bộ Ngoại giao, Hải quân và Cảnh sát
Thái Lan tại Bangkok hoặc qua điện thoại với các địa phương bạn.
Được sự hỗ
trợ của phía Thái Lan và Hội Chữ thập đỏ quốc tế, cuối năm 2015 và đầu năm
2016, Đại sứ quán Việt Nam đã ba lần thăm ngư dân ta ở các tỉnh Songkhla,
Pattani và Narathiwat. Tôi được biết, Việt Nam là nước thứ hai có lãnh đạo Đại
sứ quán đến thăm các trại giam ở khu vực này. Đây có thể coi là một đột phá, vừa
hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân ta, vừa giúp chính quyền địa phương Thái Lan hiểu
rõ sự quan tâm của Việt Nam đối với công dân nước mình. Từ đó đến nay, công tác
bảo hộ ngư dân tại các tỉnh miền Nam Thái Lan được cải thiện rõ rệt.
Tôi nhớ tới
trường hợp hai cha con ngư dân người Cà Mau bị bắt ở miền Nam Thái Lan. Sau khi
mãn hạn tù, họ được đưa về Bangkok để về nước theo đường hàng không, nhưng mấy
tháng liền không về nước được. Theo quy định hiện hành của Việt Nam, chỉ sau
khi người thân chuyển tiền đặt cọc cho Sở Ngoại vụ địa phương nơi có ngư dân bị
bắt (cụ thể trường hợp này là Cà Mau), Sở sẽ thông báo cho Quỹ Bảo hộ công dân,
Quỹ thông báo cho Đại sứ quán, ngư dân mới được thu xếp về nước. Hai người này
đã tìm mọi cách liên hệ với gia đình và người thân nhưng biệt vô âm tín.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan hỗ trợ hai ngư dân Cà Mau về nước - Ảnh: Đại sứ quán VN tại TL |
Nhìn vào
ánh mắt họ, tôi hiểu thế nào là “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (một
ngày tù nghìn thu ở ngoài). Ngay khi biết tin, chúng tôi đã quyết định hỗ trợ họ
về nước bằng tiền cá nhân, đổi lại họ hứa với chúng tôi sẽ không bao giờ đi
sang các vùng biển nước ngoài nữa.
Khi “sai
đường”...
Về phương
hướng giải quyết, tôi cho rằng đây là vấn đề không thể giải quyết một sớm một
chiều và cần sự quan tâm, nguồn lực hỗ trợ của nhiều ngành và địa phương. Theo
tôi, trước tiên, chúng ta cần phải có những hướng đi, biện pháp mới và cụ thể để
hỗ trợ ngư dân khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản trong vùng biển
Việt Nam.
Thứ hai,
cần cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ cho ngư dân, đặc biệt là các chủ tàu
và tài công, về luật pháp quốc tế và quy định của các nước, thuyết phục họ giữ
gìn kỷ cương, tuân thủ luật pháp. Những người như hai cha con ngư dân Cà Mau sẽ
là một bài học kinh nghiệm quý cho ngư dân ta.
Thứ ba, tận
dụng mọi khả năng mở rộng hợp tác thiết thực với các nước liên quan về đánh bắt
cá trên biển. Với Thái Lan, năm nay, chúng ta đã xác lập cơ chế tham vấn lãnh sự
hàng năm, tập trung thảo luận vấn đề ngư dân. Cũng trong năm 2015, hai nước đã
ký kết văn bản hợp tác về lao động, trong đó có lao động trong ngành ngư nghiệp.
Dự kiến trong năm nay, ngư dân ta có thể sang Thái Lan làm việc cho doanh nghiệp
Thái, đánh bắt hợp pháp theo các quy định của luật pháp Thái Lan. Hiện nay, hai
nước cũng đang xúc tiến đàm phán một hiệp định về hỗ trợ tư pháp, một công cụ
có thể hỗ trợ đắc lực cho công tác bảo hộ ngư dân.
Thứ tư,
có lẽ đã đến lúc các cấp chính quyền địa phương liên quan cần cân nhắc thêm một
số biện pháp hành chính cụ thể để thưởng, phạt công minh đối với những doanh
nghiệp đánh bắt cá và ngư dân, nhất là các chủ tàu và tài công.
Thứ năm,
hỗ trợ ngư dân cần được coi là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp,
các ngành, trong đó có các cơ quan thông tấn, báo chí.
Đại sứ Nguyễn Tất Thành trả lời phỏng vấn về việc bảo hộ các ngư dân VN bị bắt tại Thái Lan - Ảnh: internet |
Công tác
bảo hộ công dân nói chung và bảo hộ ngư dân nói riêng của Đại sứ quán Việt Nam
tại Thái Lan luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ thường xuyên từ các cơ quan
trong nước. Chúng tôi luôn được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Ngoại giao,
hướng dẫn cụ thể của Cục Lãnh sự, sự phối hợp tích cực của các địa phương trong
nước. Đây là chỗ dựa và là nguồn động viên đối với chúng tôi. Về phần mình, các
cơ quan chức năng của Thái Lan cũng chủ động cung cấp thông tin và hỗ trợ Đại sứ
quán tiến hành công tác bảo hộ ngư dân.
Song thực
tế chúng tôi gặp không ít khó khăn, chủ yếu do hạn chế về nguồn lực. Đại sứ
quán có duy nhất một cán bộ chuyên trách công tác bảo hộ công dân trải rộng
54/77 tỉnh, thành của Thái Lan, trong đó bao gồm toàn bộ 23 tỉnh ven biển. Vì vậy,
chúng tôi xác định, bảo hộ công dân là nhiệm vụ chung của toàn thể cán bộ, nhân
viên Đại sứ quán, kể cả các cán bộ khoa học-công nghệ, thương vụ hay chính trị….
Quỹ Bảo hộ
công dân giúp chúng tôi chủ động triển khai nhiệm vụ như chi trả kinh phí cấp
giấy thông hành cho ngư dân về nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết,
chúng tôi không sử dụng được Quỹ này do những quy định về quản lý tài chính.
Ngoài ra, nhiều khi chúng tôi phải tận dụng những món quà mà các đoàn trong nước
tặng cho Đại sứ quán khi tới thăm để làm quà cho ngư dân ta hoặc đại diện các
cơ quan chức năng ở địa phương của nước sở tại. Điều tích cực là ngư dân ta rất
xúc động khi được biết, món quà mà họ nhận được là từ Thủ tướng Chính phủ hay từ
một lãnh đạo cấp tỉnh của Việt Nam.
(Nguồn: Việt Nam và Thế giới)
Post a Comment