[Vietthaitoday] - Nhà nước đang muốn
thoái 53% vốn tại Sabeco và hãng bia ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen có lẽ
sẽ không đứng ngoài thương vụ béo bở này.
Thị trường Việt Nam đang bị các nhà
sản xuất Thái Lan tấn công mạnh mẽ. Từ các sản phẩm thiết yếu như rổ rá, giày
dép, kem đánh răng... cho đến các mặt hàng xa xỉ như ô tô, đâu đâu cũng thấy
hàng hóa Thái Lan.
Không những vậy, việc Central Group
mua lại hệ thống siêu thị Big C, đồng thời cùng Nguyễn Kim mua lại website
thương mại điện tử Zalora, được dự báo sẽ khiến hàng hóa Thái Lan rộng đường
tiếp cận với người dân Việt Nam hơn nữa.
Không chỉ là hàng hóa tiêu dùng, có
khả năng người Việt sắp uống cả bia của người Thái. Mới đây, Tổng công ty Bia -
Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ
phương án bán 53% cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 89% xuống còn 36%.
Đã có hơn 10 nhà đầu tư đăng ký mua
cổ phần của Sabeco cả trong và ngoài nước. Phía trong nước có Chứng khoán Sài
Gòn (SSI), Công ty Ánh Dương, Công ty Tập đoàn Đức Bình trong khi các đại gia
ngoại là Ashahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan) và SAB Miller
(Mỹ).
Trong số các nhà đầu tư trên,
ThaiBev là nhà đầu tư quyết liệt nhất trong thương vụ mua cổ phần Sabeco.
Từ tháng 11/2014, Sabeco đã có ý
định tái cấu trúc vốn và bán 53% cổ phần. Khi đó, ThaiBev với thương hiệu bia
lớn nhất Thái Lan Chang beer và trà xanh Oishi, đã ngỏ ý muốn sở hữu số cổ phần
trên và định giá Sabeco khoảng 2 tỷ USD. Sabeco lúc bấy giờ đang chiếm lĩnh 46%
thị phần bia trong nước, với thương hiệu bia nổi tiếng 333 và Bia Sài Gòn.
Đến đầu tháng 2/2015, ThaiBev một
lần nữa lên tiếng muốn mua 40% cổ phần của Sabeco với giá trị khoảng 1 tỷ USD,
tương ứng định giá cho công ty đã lên 2,5 tỷ USD, nhưng thương vụ không thành
công do Sabeco cho rằng mức giá này còn thấp.
Sự quyết tâm của ThaiBev xuất phát
từ sự hấp dẫn của thị trường bia Việt Nam. Với hơn 90 triệu dân, trong 4 tháng
đầu năm 2016, người Việt uống tới hơn 1 tỷ lít bia, tương đương gần 10 triệu
lít mỗi ngày. Theo dự báo của một chuyên gia ngành bia rượu nước giải khát, năm
2016 Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 3,2 tỷ lít bia, tiếp tục tăng so với năm 2015.
Như vậy, nếu ThaiBev mua được
Sabeco, hãng bia này sẽ ngay lập tức tiếp cận được với hơn 40% thị trường bia
nội địa,
Một lợi thế của ThaiBev khi mua cổ
phần của Sabeco, là ông chủ CharoenSirivadhanabhakdi vốn rất hiểu thị trường
Việt Nam. Tỷ phú này hiện đang sở hữu 11% cổ phần của Vinamilk thông qua một
công ty con Fraser & Neave và đang quản lý khách sạn 5 sao Melia Hà Nội
thông qua TTC Land.
Ông Charoen suýt chút nữa mua được
Metro từ năm 2014, nhưng thương vụ này bất thành vào phút chót do cổ đông của
công ty không chấp thuận. Thế nhưng, không vì thế mà vị tỷ phú này từ bỏ thương
vụ Metro. Tháng 1 vừa qua, Metro đã chính thức về tay của TCC Holdings, tập
đoàn do ông Charoen quản lý.
Từ thương vụ Metro có thể thấy, một
khi đã muốn, tỷ phú người Thái chắc chắn sẽ quyết tâm hành động để đạt được mục
đích, vấn đề chỉ là thời gian. Thương vụ Sabeco có nét giống với thương vụ
Metro, khi cùng thất bại hồi năm 2014-2015, nhưng nhiều khả năng sẽ cùng được
hoàn tất trong năm 2016.
Nhiều ý kiến cho rằng, Sabeco tuy
đứng số 1 ở thị trường Việt Nam, nhưng tiềm năng phát triển của công ty còn rất
lớn và khi về tay người Thái sẽ mạnh lên. 10 năm trước, quy mô của Sabeco lớn
hơn nhiều so với Vinamilk, và lợi nhuận thì lớn gấp 2 lần. Thế nhưng hiện nay,
lợi nhuận của Vinamilk cao gấp 3 lần so với Sabeco, đồng thời nhiều đối thủ
cạnh tranh đang dần chiếm được thị phần, tiêu biểu như Heineken.
Về với ThaiBev, Sabeco sẽ có kinh
nghiệm thương hiệu bia hàng đầu Thái Lan, nhưng cũng cẩn hết sức cảnh giác
trước lịch sử của hãng bia này.
Năm 1991, tỷ phú Charoen đã từng hợp
tác với Carlsberg để phát triển thị phần bia tại Thái Lan, nhằm đánh bật hãng
bia 60 năm tuổi Singha. Chỉ trong vòng 3 năm, ông Charoen đã học hỏi được nhiều
kiến thức từ Carlsberg và tự tạo hãng bia Chang (tiếng Thái là con voi). Và chỉ
trong vòng 5 năm tiếp theo, Chang Beer chiếm lĩnh 60% thị phần nội địa.
Sau khi thành công, Charoen buộc
hãng bia Carlsberg phải rút khỏi thị trường Thái Lan vào năm 2003, kết thúc
cuộc lật đổ ngoạn mục, vừa đánh bại Singha vừa buộc Carlsberg rút lui.
(Nguồn: docbao.vn)
Post a Comment