Bangkok Vietnam Express
Tin hót

DU LỊCH THÁI LAN

Việc làm

Tin mới

21 Feb 2018

Khi người Thái tiêu tiền

(Vietthaitoday) - Không chỉ những thương vụ tỷ đô của các doanh nghiệp lớn, mà những bước chân mở đường của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái Lan trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam cũng khiến người Việt không thể lơ là.
Cú vung tay tỷ đô
Gần 110.000 tỷ đồng, khoảng 4,8 tỷ USD là số tiền mà Công ty TNHH Vietnam Beverage của tỷ phú Charoen Thái Lan Sirivadhanabhakdi đã chuyển vào tài khoản của bên Việt Nam, để sở hữu 53,56% vốn điều lệ tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
doanh nghiệp Thái Lan, Công ty TNHH Vietnam Beverage, Charoen  Sirivadhanabhakdi
Đây là thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) lớn nhất về mặt giá trị không chỉ với Việt Nam mà còn trên quy mô toàn châu Á trong năm qua.
Sau một năm về tay ông chủ người Thái, hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam đã đổi tên thành MM Mega Market
Bình luận về thương vụ này, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát cho rằng, nếu xét về mục đích của việc thoái vốn thì đó là thương vụ quá tốt.
“Trong cuộc trà dư tửu hậu giữa các doanh nhân, chúng tôi nói với nhau, nên thưởng cho nhóm cán bộ thực hiện thương vụ vừa rồi. Nếu xét mục đích là bán thu tiền thì đây là thương vụ rất thành công”, ông Long nói.
Giới kinh doanh có góc nhìn khá khác về giá mua cổ phiếu Sabeco, ở mức 320.000 đồng/cổ phiếu, được cho là quá cao. Ông Long cũng vậy, cho rằng, cách suy nghĩ ở tầm quy mô kinh doanh tỷ đô sẽ rất khác, có thể không chỉ nhìn P/E là bao nhiêu.
“Nếu tính bình thường, thì lợi nhuận một năm bây giờ là vài ngàn tỷ đồng, sau này có lên 10.000 tỷ đồng hay 20.000 tỷ đồng/năm thì tỷ suất lợi nhuận cũng không ăn thua. Nên ở đây là chuyện tầm nhìn”, ông Long bình luận.
Bia chỉ là điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi danh mục thương vụ M&A mà tỷ phú Thái đã thực hiện tại Việt Nam và dự báo còn chưa kết thúc.
Không đi lẻ
Đồng hương của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi là Central Group, hiện dẫn đầu tại Thái Lan trong những lĩnh vực như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, bất động sản, quản lý thương hiệu, khách sạn và khu nghỉ mát, cũng như các cơ sở kinh doanh ăn uống... cũng đã xuất hiện tại Việt Nam.
Central Group đã chi 1 tỷ USD để thâu tóm hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ tay Tập đoàn Casino (Pháp), mua lại chuỗi điện máy Nguyễn Kim, siêu thị Lan Chi hay trang thương mại điện tử Zalora.
Đây cũng chính là doanh nghiệp đã thành lập chuỗi siêu thị Big C tại Thái Lan từ năm 1994, trước khi bán lại phần lớn cổ phần cho người đồng hương TCC Holdings.
Cũng đến từ Thái Lan, Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) đang được xem là cái tên hot ở thời điểm này, khi đề xuất mua lại 29% vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam có quy mô cỡ 5 tỷ USD.
Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã được triển khai từ cách đây 10 năm, SCG nắm giữ 46%. Tuy nhiên, doanh nghiệp Thái Lan này sau đó đã mua thêm 25% từ Công ty Dầu khí Qatar để tăng tỷ lệ nắm giữ lên 71% vào đầu năm 2017 và hiện nay đã được chấp thuận mua nốt phần vốn góp của PVN, trở thành nhà đầu tư duy nhất tại Dự án.
Nhưng SCG không hề xa lạ với ngành công nghiệp Việt Nam. Với 3 lĩnh vực hoạt động chính là hoá dầu - bao bì - vật liệu xây dựng, SCG đã đặt chân vào Việt Nam từ năm 1992 và hiện đã có 22 công ty đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, với tổng giá trị tài sản hơn 673 triệu USD và hơn 6.500 nhân viên.
Không chịu đứng nhìn, đối thủ Siam City Cement cũng nhập cuộc với việc chi 580 triệu USD để mua lại 65% cổ phần của LafargeHolcim - một trong những nhà sản xuất xi măng lớn nhất tại Việt Nam.
Các bước đi thành công của người Thái tại thị trường Việt Nam đang mang đến nhiều nỗi lo cho các doanh nghiệp Việt.
Ngành công nghiệp Việt Nam chưa quên vụ việc đình đám - Dự án Lọc hoá dầu Nhơn Hội do Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đề xuất hồi năm 2012. Khi đó, siêu dự án này đã gây chú ý với đề xuất quy mô diện tích tới 2.000 ha, tổng mức đầu tư cam kết trên 28 tỷ USD, công suất 20 triệu tấn dầu thô/năm và dự kiến góp tới 40% vào GDP của tỉnh Bình Định, cùng khoảng 30.000 chỗ làm trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp ăn theo dự án.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, sự hiện diện của CP Việt Nam - cũng là nhà đầu tư đến từ Thái Lan, tới người tiêu dùng Việt Nam là không thể phủ nhận. Trứng gà, các sản phẩm gia cầm chế biến thương hiệu C.P có mặt ở hầu khắp các cửa hàng, siêu thị lớn nhỏ ở Việt Nam.
Hiện số vốn đăng ký của các nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam là hơn 8 tỷ USD, nằm trong Top 10 các thị trường đang có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam và rất có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Thương trường như chiến trường
Trong lúc này, có lẽ câu nói “biến chiến trường thành thị trường” mà Thủ tướng thứ 17 của Thái Lan, ông Kraisak Choonhavan đã nói cách đây 30 năm vẫn rất thời sự với người Thái.
5 năm trở lại đây, ngoài những yếu tố tự thân về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Chính phủ Thái Lan đã có những chính sách tạo đòn bẩy cho sự mở rộng của hàng Thái ra thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Đơn cử, Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái Lan được thực hiện từ năm 2014 trong tổng thể một kế hoạch lớn mang tên Pracha Rath, đã góp phần thúc đẩy đầu tư nội địa cũng như đầu tư ra nước ngoài.
Theo Cục Xúc tiến thương mại quốc tế Thái Lan (DITP) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu vào các thị trường thế giới, Chính phủ Thái Lan vào tháng 9/2015 đã công bố chương trình chung với 5 biện pháp hỗ trợ, trong đó chủ yếu hỗ trợ vốn vay với lãi suất 4%/năm và thời hạn vay lên đến 7 năm. Chính phủ Thái cũng kêu gọi lập một quỹ liên doanh trị giá 2 tỷ Baht để giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu này, Thái Lan triển khai Chương trình “SME-Proactive” để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng xuất khẩu vào thị trường quốc tế.
Cụ thể, các doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia các hội chợ thương mại quốc tế, tham gia các đoàn khảo sát thị trường. Sau mỗi chuyến đi, DITP yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin để DITP xem lại kết quả đạt được, từ đó có sự điều chỉnh các hỗ trợ cho phù hợp.
Tới tháng 4/2016, các công ty hàng đầu của Thái Lan như Berli Jucker (BJC), Tập đoàn SCG, Srithai Superware… đã quyết định chung tay cùng Bộ Thương mại Thái Lan đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài, mà mục tiêu cụ thể là các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, khi người Thái Lan nắm trong tay các hệ thống bán lẻ, dịch vụ lớn tại Việt Nam như Big C, Metro Cash & Carry Việt Nam, Nguyễn Kim, Phú Thái… các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan đã rất rộng đường để tiến vào các phân khúc “vừa tầm mắt, vừa tầm tay và vừa túi tiền” với người tiêu dùng Việt Nam.
Nhưng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng xuất khẩu và đầu tư ở nước ngoài chỉ là một trong các mục tiêu mà Dự án Pracha Rath nhắm tới với mục tiêu thiết lập một nền kinh tế đổi mới trong vòng một thập kỷ thông qua kế hoạch Thái Lan 4.0, nhằm "đẩy Thái Lan thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình trong vòng 20 năm trở lại đây".
10 lĩnh vực được nhắm tới là robot công nghiệp, trung tâm y tế, logistics và công nghiệp hàng không, công nghiệp sinh hoá, kỹ thuật số, công nghệ mới trong ngành ô tô, công nghiệp điện tử sáng tạo, du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ có giá trị cao, nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm.
Để đạt được các mục tiêu của đất nước, các khu vực nhà nước và tư nhân được kêu gọi cộng tác với Dự án Pracha Rath. Đặc biệt hoạt động đầu tư nghiên cứu và phát triển phải lên đạt tới 1% tổng sản phẩm quốc nội.
Lẽ dĩ nhiên, cùng với sự hiện diện mạnh mẽ của các doanh nghiệp Thái Lan trong các lĩnh vực tiêu dùng, thực phẩm và bán lẻ, thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam cũng giảm đi.
Nhưng rõ ràng, các bước thành công của người Thái tại thị trường Việt Nam lại đang mang đến nhiều nỗi lo cho doanh nghiệp Việt.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao vừa đưa ra một con số đáng suy nghĩ về việc tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua hàng Việt, trong một số ngành hàng tiêu dùng quan trọng đã giảm sút từ gần 90% năm ngoái xuống còn chỉ gần 70%.
“Khoảng 20% này, xem xét kỹ, đang đổ vào sản phẩm của các doanh nghiệp đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Kết quả này cũng khớp với đà phát triển bùng nổ các hệ thống phân phối của Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc xen lẫn một số ít hệ thống Việt Nam”, bà Hạnh nói.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, nhập khẩu chính thức từ Thái Lan năm 2016 của Việt Nam chỉ là 8,795 tỷ USD, nhưng đã tăng lên con số 10,495 tỷ USD trong năm 2017, đặc biệt có sự tăng trưởng mạnh mẽ với một số mặt hàng tiêu dùng như hoa quả, hoá chất, điện tử…
Đặc biệt, những hội chợ hàng Thái đang tổ chức đồng loạt, liên tục khắp cả 3 miền tại Việt Nam, được Chính phủ Thái Lan khôn khéo ủng hộ đúng luật quốc tế.
“Hãy nghiên cứu bước đi của các nước ASEAN khác để bồi đắp nội lực, nâng bước cho doanh nghiệp trong nước đủ sức ra ngoài cạnh tranh với thế giới ở diện rộng”, là những câu hỏi đầy trăn trở mà bà Vũ Kim Hạnh - người khởi xướng Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao đang đặt ra, nhưng chưa dễ có lời giải thoả đáng.
Theo NDH
b

a




26 Jan 2018

Thái Lan quyết bắt cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra

(Vietthaitoday) - Lãnh đạo các cơ quan chức năng có liên quan đến việc truy tìm và đưa cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra về nước đang phải "vắt chân lên cổ" để hoàn thành nhiệm vụ, nếu không sẽ bị truy tố theo Điều 157 Bộ luật hình sự Thái Lan.
Tuyên bố của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan được tờ The Bangkok Post dẫn lại cho thấy, lãnh đạo các cơ quan chức năng có liên quan đến việc truy tìm và đưa cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra về nước đang phải "vắt chân lên cổ" để hoàn thành nhiệm vụ, nếu không sẽ bị truy tố theo Điều 157 Bộ luật hình sự Thái Lan. 
Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Bộ luật hình sự Thái Lan, truy bắt
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Bởi theo ông Prawit Wongsuwan, công tố viên, cảnh sát và Bộ Ngoại giao phải tăng cường phối hợp chặt chẽ để truy tìm bà Yingluck Shinawatra và đưa cựu Thủ tướng về nước. "Vẫn không loại trừ khả năng bà Yingluck sử dụng hộ chiếu được cấp bởi một quốc gia khác", ông Prawit Wongsuwan nói. 
Động thái kể trên diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao nhận được xác nhận từ Ngoại trưởng Anh Boris Johnson - bà Yingluck Shinawatra đã ở London từ tháng 9-2017. Ngoại trưởng Don Pramudwinai cũng xác nhận, bà Yingluck Shinawatra đã đến London và giới chức Thái Lan đã liên hệ với những người đồng cấp Anh để tìm cách xác định nơi ở chính xác của nữ cựu Thủ tướng. 
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Anh không tiết lộ tình trạng pháp lý của bà Yingluck Shinawatra tại nước này và liệu nữ cựu Thủ tướng có xin visa hay tị nạn hay chưa.
Theo giới truyền thông, Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp (OAG) vẫn chưa chính thức yêu cầu dẫn độ bà Yingluck Shinawatra về nước bởi không có đủ thông tin về nơi ở hiện tại của cựu Thủ tướng. 
Theo ông Amnat Chotchai, Trưởng bộ phận đối ngoại của OAG, họ chưa thể đề nghị Chính phủ Anh dẫn độ nữ cựu Thủ tướng vì chưa có thông tin chính xác về nơi ở hiện nay của bà Yingluck Shinawatra. Vẫn theo ông Amnat Chotchai, sau khi Cảnh sát Hoàng gia xác thực vị trí và nơi ở hiện tại của bà Yingluck Shinawatra, OAG mới có các bước tiếp theo. 
Cảnh sát Hoàng gia cũng xác nhận, Interpol chưa phát cảnh báo quốc tế đối với bà Yingluck Shinawatra do cơ quan chức năng Thái Lan không cung cấp thêm hồ sơ và chứng cứ. 
Phó Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia, Tướng Srivara Ransibhramanakul thông báo (sau khi nhận chỉ thị của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha), cảnh sát phải "làm tất cả những gì có thể" để truy tìm và đưa bà Yingluck Shinawatra về nước "đối mặt với công lý". 
Tướng Srivara Ransibhramanakul cho biết, Cảnh sát Hoàng gia đã liên hệ với giới chức Anh thông qua Interpol để truy tìm tung tích nữ cựu Thủ tướng. Về phần mình, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho rằng, không nên nhìn nhận việc đưa bà Yingluck Shinawatra về nước là một vấn đề quá lớn. 
"Nếu anh em nhà Shinawatra được đưa về nước, đó sẽ là điều rất tốt. Nhưng vấn đề này liên quan đến nước ngoài và chúng ta không có khả năng kiểm soát. Vẫn còn nhiều phương diện khác cần cân nhắc", ông Prayut Chan-o-cha tuyên bố.
Sau khi chính quyền xác nhận bà Yingluck Shinawatra đã đến London, đảng Puea Thai cũng tuyên bố, nữ cựu Thủ tướng đang ở Anh. Dư luận quan tâm tới tuyên bố của bà Tida Thavornseth, lãnh đạo Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống độc tài (UDD) - phe Áo Đỏ ủng hộ bà Yingluck Shinawatra - không có cơ hội để đưa nữ cựu Thủ tướng về Thái Lan. 
Tổng thư ký của Puea Thai Phumtham Wechayachai cũng khẳng định, đảng này không liên lạc với bà Yingluck Shinawatra trong nhiều tháng qua. Theo giới truyền thông, dư luận Thái Lan dậy sóng sau khi 2 bức ảnh được lan truyền trên mạng cho thấy, bà Yingluck Shinawatra đang ở London, bất chấp việc Bộ Ngoại giao Thái Lan đã thu hồi hộ chiếu của nữ cựu Thủ tướng. 
Phó Cảnh sát trưởng quốc gia Srivara Rangsipramanakul khẳng định, những bức ảnh mà cảnh sát có trong tay là thật. Ông Phichai Nariphathaphan, cựu Bộ trưởng Năng lượng, 1 trong những lãnh đạo của Pheu Thai cũng xác nhận, các bức ảnh chụp bà Yingluck Shinawatra tại các trung tâm mua sắm ở London là thật.
Theo tờ The Nation, bà Yingluck Shinawatra đã xin visa loại 1 (visa khởi nghiệp), cho phép cựu Thủ tướng ở lại Anh tối đa 3 năm 4 tháng. Theo quy định của Anh, công dân các nước ngoài Khu vực kinh tế châu Âu và Thụy Sĩ có thể xin visa loại 1 nếu đầu tư tối thiểu 200.000 bảng Anh. Và người sở hữu visa này có thể xin gia hạn thời gian lưu trú thêm 2 năm và có thể xin định cư nếu đã lưu trú tại Anh được 5 năm. 
Theo giới chuyên môn, việc thu hồi hộ chiếu của bà Yingluck Shinawatra có thể không ngăn được nữ cựu Thủ tướng xin tị nạn chính trị ở châu Âu bởi nhiều quốc gia phương Tây không đòi hỏi người xin tị nạn phải có hộ chiếu. Được biết, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã hủy 4 hộ chiếu (2 hộ chiếu cá nhân và 2 hộ chiếu ngoại giao) của bà Yingluck Shinawatra.
Theo CAND

EU, Mỹ giục Thái Lan từ bỏ ý định hoãn bầu cử

(Vietthaitoday) - Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ thúc giục chính quyền quân sự Thái Lan từ bỏ ý định hoãn bầu cử "vì lợi ích của người dân và nền dân chủ nước này".
Trong chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên hồi tháng 10.2017, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tuyên bố sẽ tổ chức tổng tuyển cử, mở đường cho việc thành lập chính phủ dân sự, vào tháng 11.2018. Tuy nhiên, chính quyền quân sự đang có ý định dời sang đầu năm 2019 vì cho rằng tình hình Thái Lan chưa đảm bảo để một cuộc bầu cử diễn ra trong an toàn.
bầu cử Thái Lan, hoãn bầu cử, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha
"Chúng tôi hiểu rằng vẫn có thể tổ chức cuộc bầu cử vào tháng 11.2018 và khuyến khích các bên liên quan tôn trọng lộ trình mang lại nền dân chủ cho Thái Lan đã được thông báo trước đây vì lợi ích của mọi người dân”, ông Pirkka Tapiola, Đại sứ EU tại Thái Lan, phát biểu hôm qua 24.1.
“EU sẵn sàng hỗ trợ Thái Lan thực hiện lộ trình này”, ông Pirkka nói thêm. 
Tương tự, bà Jiilian Bonnardeaux, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan, cho biết Washington vẫn giữ quan điểm ủng hộ kế hoạch tổ chức bầu cử mà Thủ tướng Prayut đã công bố.
“Chúng tôi đang chờ đợi Thái Lan quay trở lại nền dân chủ thông qua tổ chức bầu cử tự do và công bằng để Mỹ có thể thúc đẩy mối quan hệ với Thái Lan, giúp quốc gia này tiếp tục phát triển mạnh mẽ”, bà Bonnardeaux nói.
Hôm qua, đảng Pheu Thai ra tuyên bố phản đối kế hoạch hoãn thi hành dự luật bầu cử, đồng thời kêu gọi "nhanh chóng trả lại quyền điều hành quốc gia cho người dân".
Trong hôm nay 25.1, Hội đồng luật pháp quốc gia Thái Lan bắt đầu nhóm họp để xem xét đề xuất hoãn bầu cử của chính phủ.
Theo Thanh niên
Việt Thái Today

Học tiếng Thái

Quy định

TIN TỨC

QC
 
Copyright © 2016 Việt Thái Today
Design by FBTemplates | BTT