(Vietthaitoday) - Là hai quốc
gia láng giềng khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Việt Nam có nhiều gắn bó từ
trong lịch sử và ý thức về bản sắc chung như là một phần của Cộng đồng ASEAN.
Có lẽ, chừng đó vẫn chưa đủ, hai bên vẫn đang nỗ lực tạo ra những “sợi dây” gắn
kết hơn thông qua những chính sách về chính trị, văn hóa và kinh tế...
Trong buổi trả lời phỏng vấn
TG&VN, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Manopchai Vongphakdi (ảnh bên) đã chia
sẻ rõ hơn về những “sợi dây” quan trọng đó.
Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Manopchai Vongphakdi. |
Chương trình Lễ hội Thái Lan
lần thứ 9 (Thai Festival 2017) được tổ chức đầu tháng 10 đã để lại dấu ấn trong
lòng nhiều người dân Thủ đô. Đại sứ có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của sự kiện
này?
Lễ hội Thái Lan được tổ chức
không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới là một trong những hoạt
động triển khai Chính sách ngoại giao công chúng của Thái Lan. Thông qua những
hoạt động biểu diễn nghệ thuật, gian hàng ẩm thực, thủ công truyền thống, chúng
tôi muốn đưa các bạn lại gần hơn với đất nước Thái Lan tươi đẹp.
Là hai nước láng giềng, tôi
thấy rằng nhận thức của người dân Thái Lan về Việt Nam và ngược lại đang không
ngừng phát triển, ngày càng có nhiều người dân hai nước quan tâm tìm hiểu về lịch
sử, văn hóa, truyền thống của nhau. Đó thực sự là một tín hiệu đáng mừng và là
điểm thuận lợi để chúng tôi thực hiện chính sách ngoại giao công chúng. Thái
Lan luôn tâm niệm rằng ngoại giao công chúng không chỉ là nhiệm vụ của giới ngoại
giao mà của tất cả người dân và có thể được triển khai ở khắp mọi nơi, kể cả
nhà hàng, khách sạn, sân bay…
Tôi cảm thấy rất vui mừng
khi quan hệ giữa con người với con người Thái – Việt không ngừng được thắt chặt,
làm nền tảng để hai nước phát triển các lĩnh vực hợp tác song phương khác như
kinh tế, chính trị,… Không chỉ ở cấp độ song phương, trong các khuôn khổ đa
phương cấp quốc tế và khu vực, sự phối hợp, tương tác giữa hai nước cũng khá chặt
chẽ. Với sự gần gũi về địa lý, Việt Nam và Thái Lan có nhiều cơ hội để học hỏi
lẫn nhau, cùng nhau khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Những giá trị cốt lõi nào đã
tạo nên sự gắn kết giữa hai nước, thưa Đại sứ?
Thái Lan và Việt Nam có sự gần
gũi về địa lý, sự tương đồng về văn hoá và ý thức về bản sắc chung như là một
phần của Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chia sẻ những nguyện vọng
và mục tiêu nhằm đạt được sự ổn định chính trị quốc gia, phát triển kinh tế để
nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cùng đóng góp cho hoà bình và thịnh
vượng khu vực dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau.
Bản thân tôi có nhiều gắn bó
với Việt Nam. Tôi sinh ra và lớn lên ở Bangkok, nhiều người bạn của tôi là Việt
kiều. Chính vì vậy, tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện về Việt Nam và hình ảnh
Việt Nam trở nên thân thuộc với tôi từ nhỏ.
Khi vào làm việc tại Bộ Ngoại
giao Thái Lan, năm 1989, tôi được phân công công việc liên quan tới khu vực
Đông Nam Á. Tôi rất ấn tượng với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt
Nam trong những năm qua. Vì vậy, tôi lấy làm vinh dự khi được bổ nhiệm làm Đại
sứ Thái Lan tại Việt Nam và tôi sẽ trân trọng tất cả những kỷ niệm về đất nước và
con người Việt trong suốt nhiệm kỳ của mình.
Quan hệ ngoại giao Việt Nam
– Thái Lan đã trải qua 41 năm. Năm ngoái, hai nước cùng nỗ lực tổ chức nhiều hoạt
động kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao đã để lại nhiều dấu ấn. Thái – Việt có sự
gắn kết từ trong lịch sử, mặc dù thời gian Chiến tranh Lạnh quan hệ hai nước có
chiều hướng đi xuống song đó đã trở thành quá khứ. Hai nước có hai hướng đi
khác nhau trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử nhưng điều quan trọng là
hiện tại Chính phủ hai nước đang cố gắng thúc đẩy hợp tác song phương tốt đẹp
trên tất cả các lĩnh vực.
Nhiều người cho rằng Thái
Lan là một quốc gia may mắn trong lịch sử. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử, chúng
tôi cũng bị Anh, Pháp đô hộ và từng trải qua những thời điểm gian nan. Chúng
tôi có được hòa bình, độc lập không phải từ sự may mắn mà từ chính sách ngoại
giao phù hợp để đối phó với những mối đe dọa từ bên ngoài.
Đại sứ nghĩ thế nào
khi hiện nay có rất nhiều sản phẩm của Thái Lan được bán trên thị trường Việt
Nam và được nhiều người Việt Nam ưa chuộng?
Tôi có hỏi nhiều người dân về
đánh giá của họ khi sử dụng sản phẩm Thái Lan và đều nhận được những phản ứng rất
tốt. Đúng như vậy, sản phẩm Thái Lan có chất lượng tốt với giá thành hợp lý.
Hiện nay, số lượng công ty,
doanh nghiệp Thái đầu tư và vào Việt Nam ngày càng tăng. Đây là tín hiệu tốt
cho phát triển quan hệ song phương ở khía cạnh kinh tế, đặc biệt là trong khuôn
khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Theo chiến lược của chúng tôi, những sản phẩm
hiện đang được sản xuất tại Thái Lan trong tương lai có thể sẽ được sản xuất tại
Việt Nam. Việc này giúp tạo ra nhiều việc làm và giảm giá thành cho sản phẩm.
Hiện cũng đã có nhiều nhà sản xuất Thái Lan đầu tư ở khu vực phía Nam của Việt
Nam với mục tiêu sản xuất sản phẩm để cung ứng không chỉ cho thị trưởng Việt mà
còn để xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là một mô hình được rất nhiều nước khác áp
dụng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...
Chúng tôi tâm niệm rằng,
doanh nghiệp không thể ở mãi trong nước mà phải vươn ra bên ngoài, nhất là
doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực không còn lợi thế cạnh tranh quy mô nội
địa. Mô hình phát triển doanh nghiệp này cũng có thể là bài học cho doanh nghiệp
Việt, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều phải điều chỉnh để phù hợp với tốc độ và
mô hình phát triển mới. Thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang
Thái để tìm hiểu thị trường đầu tư, vì vậy, trong tương lai sẽ có rất nhiều cơ
hội hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế và đầu tư.
Bên cạnh hợp tác ở cấp độ
Chính phủ, tôi cũng mong muốn hai phía đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác ở cấp độ
địa phương và đưa những kế hoạch, chính sách đi vào cụ thể, thực chất hơn.
Theo Báo Quốc tế
Post a Comment