Bangkok Vietnam Express
Tin hót

18 Oct 2017

'Giải mã' cơn lốc nhập siêu hàng hóa từ Thái Lan

(Vietthaitoday) - Vài tháng trở lại đây mặc dù nhập siêu hàng hóa của cả nước đã giảm mạnh nhưng Bộ Công Thương vẫn tỏ ra quan ngại trước việc Việt Nam liên tục nhập siêu hàng tiêu dùng từ một số thị trường.
Do vậy, Bộ Công Thương đã tiến hành cải cách mạnh mẽ trong thủ tục hành chính nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ vấn đề này nhưng mặt khác tạo được sự thông thoáng cho doanh nghiệp.
hàng hóa Thái Lan, hàng tiêu dùng Thái Lan, nhập siêu từ Thái Lan, nhập khẩu hàng Thái
Cơn lốc nhập siêu
Sau Trung Quốc, Hàn Quốc đến lượt Thái Lan đã trở thành mối quan tâm của Bộ Công Thương khi con số nhập siêu từ thị trường này đang ngày một tăng, dù mức tăng có chậm hơn trước.
Lý giải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu từ thị trường này, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, điều này do người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý ưa chuộng hàng Thái Lan, cả về giá cả, mẫu mã và chất lượng.
Cùng đó, Thái Lan còn thiết lập kênh phân phối vững chắc và đang tiếp tục mở rộng tại Việt Nam. Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group đã tiến hành mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam và tiếp tục có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Thái đưa trực tiếp hàng tới người tiêu dùng Việt Nam khiến nhập siêu hàng tiêu dùng liên tục tăng mạnh.
Ngoài ra, theo ông Phan Văn Chinh, Chính phủ Thái Lan cũng đã dành ngân sách khá lớn cho việc triển khai với quy mô lớn và có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Việt Nam. Điều này thể hiện qua việc mỗi năm có khoảng 12 đến 20 hội chợ hàng Thái Lan được Bộ Thương mại Thái Lan, Hiệp hội doanh nghiệp Thái, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đứng ra tổ chức với quy mô từ 100-300 gian hàng.
Với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan thuộc nhóm cần nhập khẩu để phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, chiếm tới 50% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan như: máy móc, thiết bị, xăng dầu các loại; chất dẻo nguyên liệu; hóa chất; xơ, sợi dệt các loại.... thì cùng với đó, các hoạt động mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam cũng dẫn tới việc tăng nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Phan Văn Chinh cho biết thêm, trước đây, nhiều mặt hàng tiêu dùng chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, nay chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan. Nguyên nhân của việc dịch chuyển nhập khẩu này do người tiêu dùng dần tẩy chay hàng Trung Quốc, chuyển sang dùng hàng Thái và do hàng Thái Lan được hưởng ưu đãi thuế theo hiệp định ATIGA.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến đầu tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan đạt khoảng 9,64 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan đạt khoảng 3,07 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Phan Chí Anh, Việt Nam và Thái Lan cùng nằm trong chuỗi cung ứng của nhiều công ty toàn cầu như Toyota, Panasonic… mà trong các mô hình sản xuất đó, các nhà máy tại Việt Nam sử dụng rất nhiều nguyên liệu, bán thành phẩm,.. từ các nhà máy tại Thái Lan. Vì vậy, việc nhập khẩu các mặt hàng này được điều tiết bởi các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tiến sĩ Phan Chí Anh cho rằng, vừa qua hàng Thái Lan tiêu thụ nhiều cũng một phần là do tâm lý người tiêu dùng Việt Nam muốn sử dụng hay thử sử dụng các sản phẩm không phải nhập khẩu Trung Quốc.
Giảm tỷ lệ nhập siêu từ Thái Lan luôn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hơn. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn còn rất rộng, đặc biệt là ở các địa phương. Do đó, cơ hội vẫn còn với các nhà sản xuất và kinh doanh bán lẻ Việt Nam.


hàng hóa Thái Lan, hàng tiêu dùng Thái Lan, nhập siêu từ Thái Lan, nhập khẩu hàng Thái
Dịch vụ vận chuyển hàng hóa Việt Nam -Thái Lan
Đi tìm giải pháp
Mặc dù cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước cùng là một sản phẩm giống nhau nhưng hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang Thái Lan lại có giá trị thấp hơn. Do đó, không ít các cuộc họp của Bộ Công Thương đã được tổ chức, nhiều đề xuất cũng được đưa ra nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất giúp tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt cũng như giảm thiểu nhập siêu hàng tiêu dùng từ các thị trường trong đó có Thái Lan.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thừa nhận thực tế lâu nay xúc tiến thương mại tại thị trường Thái Lan còn hạn chế, hoạt động rất ít, chủ yếu là những hoạt động đơn lẻ do Vụ châu Á- châu Phi, hoặc TP. Hồ Chí Minh tự tổ chức. Hơn nữa, dù Cục Xúc tiến thương mại cũng đã nhiều lần phối hợp với Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia triển lãm tại Thái Lan, tuy nhiên, do không có hỗ trợ nên nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại và cho rằng thị trường này không khả thi.
Các chuyên gia Cục Xuất Nhập khẩu cũng đề xuất việc phải tìm ra mặt hàng tiềm năng ở Thái Lan để đầu tư nuôi dưỡng và có thể phát triển ổn định, đứng vững ở thị trường Thái Lan. Cùng đó phải tìm được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, dư lượng xuất khẩu và đối thủ cạnh tranh thì mới có chiến lược rõ ràng.
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có giải pháp kiểm soát nhập khẩu không chỉ Việt Nam đặt ra mà phải phù hợp với các quy định của quốc tế, bởi hiện Thái Lan cũng áp dụng với các nước, như hạn chế khả năng thâu tóm hệ thống bán lẻ.
Đối với nhóm hàng ô tô, Việt Nam cần có biện pháp tính thuế, nhóm linh kiện kiểm soát nghiêm việc tiêu thụ hàng giả và xem xét biện pháp phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu.
Mặt khác, đối với các doanh nghiệp trong nước cần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng tiêu dùng. Đơn cử mặt hàng rau củ trái cây, ngoài việc quy hoạch vùng sản xuất và hỗ trợ chỉ dẫn địa lý, thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần mở rộng hợp tác với doanh nghiệp bán lẻ của Thái Lan để đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ cần phải tìm hiểu toàn diện lý do tại sao Việt Nam lại nhập siêu từ Thái Lan, trong khi cũng là các nước trong khu vực ASEAN như Indonessia, Philippines… hàng hóa của Thái Lan lại không thể thâm nhập sâu rộng như tại thị trường Việt Nam.
Quan trọng hơn nữa là vai trò của công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương và các bộ ngành khác trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại. Hiện công tác này vẫn còn nhiều hạn chế nên cần khắc phục mạnh mẽ trong thời gian tới. Hơn nữa, sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp còn tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng tỷ lệ nội địa hóa giúp giảm thiểu nhập siêu từ một số thị trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo TTXVN

""

Post a Comment

QC
 
Copyright © 2016 Việt Thái Today
Design by FBTemplates | BTT