(Vietthaitoday) - Theo Ngân
hàng Kasikorn Thái Lan, trận lũ lịch sử tại khu vực Đông Bắc nước này thời gian
qua gây thiệt hại trên 15,7 tỷ baht (hơn 472,17 triệu USD), tương đương 0,1% Tổng
sản phẩm quốc nội (GDP) Thái Lan. Con số này chưa bao gồm các thiệt hại về hạ tầng,
bất động sản như đường sá, cầu cống.
Ngân hàng trên cũng cho biết,
thiệt hại riêng trong lĩnh vực nông nghiệp của Thái Lan đã vượt 12 tỷ baht. Các
tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Sakon Nakhon, Maha Sarakham, Nakhon
Ratchasima và Kalasin.
Tỉnh Sakon Nakhon là địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất trong trận ngập lụt vừa qua. Ảnh: THX/TTXVN |
Cục Ngân khố Thái Lan cho biết
sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ các nạn nhân khắc phục lũ lụt, theo đó cho phép
giãn nợ lên tới hai năm. Đối với bất động sản cho thuê phục vụ mục đích nông
nghiệp, Cục sẽ miễn một năm tiền thuê đất để giúp phục hồi sản xuất. Cơ quan
này đã tiến hành khảo sát thiệt hại về tài sản để đưa ra các mức hỗ trợ phù hợp,
cụ thể với từng đối tượng.
Cách đây ít ngày, Chính phủ
Thái Lan hỗ trợ nông dân cũng đã bắt đầu triển khai thêm ba sáng kiến để giúp
người nông dân. Cụ thể, Chính phủ sẽ cung cấp tín dụng 46,25 triệu baht đối với
nông dân trong các nhóm nông nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp trong
lĩnh vực mua bán và chế biến lúa gạo.
Chính phủ sẽ cấp 940 triệu
baht dưới dạng hạ lãi suất cho vay tới 3% cho các hợp tác xã, nhà xay xát để hỗ
trợ người nông dân tích trữ lúa gạo từ 2 – 6 tháng và không quá sáu tháng; trợ
cấp tiền mặt 1.000 baht/tấn cho người nông dân nhận vận chuyển lúa vào kho dự
trữ.
Những người đã thanh toán nợ
sẽ nhận được phí đặt cọc 500 baht/tấn từ chính phủ. Mỗi hộ gia đình sẽ nhận được
hỗ trợ tài chính không quá 12.000 baht mỗi vụ.
Các sáng kiến này nhằm tăng
giá trị lúa gạo và giải quyết vấn đề tài chính cho người trồng lúa, đặc biệt là
khu vực lũ lụt thời gian qua. Mặc dù lũ lụt lịch sử tại khu vực Đông Bắc gây
thiệt hại lớn, song Thái Lan vẫn là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Theo
TTXVN
Post a Comment