(Vietthaitoday) - Trưa 19.7,
phiên tòa xét xử vụ buôn người lớn nhất Thái Lan đã có một số phán quyết, trong
đó một tướng quân đội bị buộc tội buôn người cùng 102 bị cáo khác.
Theo Reuters, Thủ tướng
Thái Prayuth Chan-ocha, một cựu tướng quân đội Thái Lan, đã đề nghị người Thái
đừng đổ tội buôn người cho quân đội chỉ vì có một vị tướng bị buộc tội. Ông nói
với các nhà báo lúc trưa 19.7: “Có nhiều người trong mạng lưới buôn người này.
Đừng quy chụp toàn thể anh em binh lính cả nước là một”.
Các bị cáo bị còng chân khi ra tòa hồi tháng 3.2016-Ảnh AP |
Giới báo chí không được vào
phòng xét xử, nhưng phiên tòa được truyền hình. Dự kiến cuối ngày hôm
nay sẽ có phán quyết. Thủ tục công bố phán quyết rất lâu, có lẽ phải mất
nhiều giờ trước khi quan tòa tuyên từng bản án đối với các bị cáo ngồi kín một
trụ sở tòa án ở Bangkok.
Liệu có án tử hình?
Tòa đã tuyên 21 người ngoài
phạm tội buôn người còn phạm tội tham gia một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia,
bắt giam người trái phép dẫn đến cái chết của nhiều nạn nhân, và phạm cả tội hiếp
dâm những nạn nhân.
Sunai Phasuk, nhà nghiên cứu
của tổ chức Giám sát nhân quyền, nói bản án cao nhất đối với nhóm bị cáo có thể
là án tử hình, kể cả xử tử hình những quan chức cấp cao nhằm kéo giảm nạn buôn
người trong tương lai.
Thái Lan bị xem là nguồn, điểm
đến và quá cảnh của đàn ông, phụ nữ và trẻ em từ các nước láng giềng Campuchia,
Lào và Myanmar bị bọn buôn người ép qua Thái Lan hoặc Malaysia làm nô lệ lao động
hoặc bán dâm.
Các bị cáo gồm một vị tướng
quân đội, các sĩ quan cảnh sát, các chính khách địa phương và nhiều công dân
Myanmar. Họ bị buộc tội buôn người di dân ở vùng biên giới Thái Lan-Malaysia.
Xác các nạn nhân bị bọn buôn người giết được đào lên |
Phiên tòa xử vụ này từng bắt
đầu từ năm 2015, sau khi Thái Lan truy quét các băng nhóm buôn người, từ việc 30
ngôi mộ nông choèn được tìm thấy ở một nhà tù trong rừng gần biên giới
Malaysia, hồi tháng 5.2015.
Nhiều xác được khai quật, được
cho là người Rohingya, một cộng đồng Hồi giáo thiểu số đã tìm cách bỏ trốn
khỏi Myanmar trên những chiếc tàu đánh cá. Họ đến Thái Lan trên đường tìm đến
Malaysia. Số xác khác là người Bangladesh muốn di cư tìm việc làm hoặc xin tỵ nạn.
Bọn buôn người nhốt tất cả
những người này ở những trại dã chiến ở biên giới Thái-Malaysia, đòi người thân
của họ nộp tiền chuộc thì mới thả họ.
Những người sống sót kể nhiều
người bị bỏ đói, bị hiếp dâm, bị đánh đập và bị giết dã man nếu người nhà không
nộp tiền chuộc.
Tướng cảnh sát điều tra phải
bỏ trốn qua Úc
Phiên tòa bị kéo dài do có
những cáo buộc những nhân chứng, người phiên dịch và cảnh sát điều tra đã bị dọa
nạt, thậm chí một vị thiếu tướng cảnh sát phải dùng visa du lịch để trốn qua Úc
(nơi có người thân của ông định cư ) và xin tị nạn chính trị, đồng thời tố cáo
cấp trên của ông tiếp tay cho bọn buôn người.
Theo Guardian, tướng
Paween Pongsirin (người bỏ trốn) còn nói các sĩ quan cấp cao của quân đội muốn
ông bị giết, nên quyết “thuyên chuyển công tác” ông đến miền Nam Thái Lan đầy bất
ổn.
Tướng Paween từng điều tra vụ
phát hiện 30 ngôi mộ trong rừng già chôn những người bị bọn buôn người giam nhốt,
đánh đập, hiếp dâm và bị giết dã man. Nhóm điều tra của ông phát hiện một
đường dây buôn người lớn, nhưng ông nói ông bị “trên” gây sức ép là “chớ
nên quá nhiệt tình truy lùng thủ phạm”.
Paween nói “ông theo đuổi chứng
cứ” vì đường dây do một tướng quân đội làm ‘trùm”. Nhưng viên tướng
này phải xin xuất ngũ hồi tháng 11.2014, sau khi ông bị thuyên chuyển đến
một vùng sâu vùng sâu xa nhiều bất ổn ở miền Nam Thái Lan. Ông giải thích
việc chuyển công tác này thực chất là ép ông vào chỗ chết: bọn buôn người rất có
ảnh hưởng ở vùng này, và “cảnh sát cấp cao” của vùng cũng dính líu vụ buôn người.
Paween báo cáo với cấp trên,
rằng ông sợ mạng sống bị đe dọa nếu ông được cử đến đó, nhưng sự phản đối của
ông bị phớt lờ.
Nhóm điều tra của Paween bị
giải tán chỉ sau 5 tháng hoạt động, dù ông nhấn mạnh nhiệm vụ chưa hoàn
thành.
Tướng Paween trình kết quả điều tra |
Khi được hỏi ai chặn cuộc điều
tra, ông nói: “Những người có tầm ảnh hưởng trong hoạt động buôn người. Có một
số sĩ quan cảnh sát và quân đội xấu xa làm chuyện này. Đáng tiếc là những
kẻ xấu này lại đang nắm quyền lực”.
Paween không điểm tên các sĩ
quan cấp cao mà ông cho là đồng lõa của hoạt động buôn người ở Thái Lan, nhưng
nói các trại lao động trong rừng cần được giám sát kỹ lưỡng.
Theo báo Guardian,
Paween nói nhiều quan chức chính phủ Thái Lan cần bị truy tố, gồm những
người ở vị trí cao.
Paween nói: “Buôn người
có một mạng lưới lớn, có sự dính líu của nhiều chính khách, cảnh sát
và quân đội Thái Lan. Một kẻ có thể giam giữ hàng trăm người mà không bị bắt
suốt nhiều năm, thì kẻ đó không phải là dân thường”.
Paween còn khẳng định: “Khi
tôi xem xét những vụ việc, tôi đã luôn bị cảnh báo về điều này. Và những người
có ảnh hưởng muốn thuyên chuyển tôi đến miền Nam bởi vì họ muốn giết tôi”.
Cựu tướng Prayuth Chan-ocha
nay là Thủ tướng Thái Lan, kêu gọi Paween trở về nước, hứa sẽ trừng trị những
“nhân vật có ảnh hưởng” dọa giết Paween: “Hãy cho tôi biết ai dọa ông. Mặc kệ họ
to thế nào, tôi sẽ trừng phạt họ”.
Ông Prayuth khẳng định
Paween trốn ra nước ngoài làm đất nước mất uy tín: “Tôi muốn hỏi ông ấy có còn
yêu tổ quốc? Ông ấy chào đời ở mảnh đất này, tại sao ông ấy lại muốn làm người
xa lạ với quê hương?”.
Theo Một thế giới
Post a Comment