(Vietthaitoday)
- Một năm sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết (12/7/2016) về vụ
Philippines kiện Trung Quốc, các hoạt động đơn phương nguy hiểm, quân sự hóa ở
Biển Đông đôi lúc đã có dấu hiệu “giảm nhiệt” nhưng vẫn được ngấm ngầm thực hiện.
Trung Quốc xây dựng công trình quân sự trên đá Châu Viên, Trường Sa (nguồn AMTI) |
Phán
quyết – thắng lợi lịch sử của Philippines, nhưng Trung Quốc có tuân thủ?
Các
hoạt động như vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và vẫn diễn ra dưới nhiều hình
thức như tập trận bắn đạn thật, diễn tập quân sự chung với quốc gia ngoài khu vực
mà không thông báo trước cho các quốc gia khác trong khu vực, sử dụng tàu cá vũ
trang ngăn chặn, xua đuổi tàu thuyền nước khác... Thậm chí, ở một số thời điểm,
các phương tiện hoạt động trên biển xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền
chủ quyền và quyền tài phán quốc gia khác hoặc một số hoạt động như lấn biển, mở
rộng đảo ở Hoàng Sa, xây dựng các công trình hạ tầng dân sự, quân sự kiên cố
trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa đã vi phạm quốc luật pháp quốc tế, đe dọa sự
an toàn của các tuyến hàng hải, hàng không và môi trường sinh thái ở Biển Đông.
Về
nội dung phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi
bò” (hay đường chín đoạn) - cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” là trái
ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Tòa còn khẳng định
Trung Quốc gây thiệt hại lâu dài, không thể khắc phục đối với hệ sinh thái dải
san hô ngầm ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Tòa chỉ ra rằng trong quá
trình phân xử vụ kiện, Trung Quốc đã “làm trầm trọng thêm và kéo dài tranh chấp”
thông qua hoạt động cải tạo đất, xây dựng đảo nhân tạo cùng các cơ sở trên đó tại
các khu vực tranh chấp.
Hiện
nay, lòng tin giữa các quốc gia đang suy giảm và bị xói mòn nghiêm trọng bởi những
hoạt động đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trong thời
gian dài ở khu vực bao gồm cả vùng biển của nước khác, xâm phạm trái phép ngư
trường, bắt giữ và đối xử với ngư dân không theo chuẩn mực của luật pháp quốc tế,
mở các tuyến bay du lịch trái phép ra Hoàng Sa… Nếu lòng tin giữa các quốc gia
không được khôi phục và căng thẳng gia tăng có thể sẽ có xung đột vũ trang, dù ở
mức độ nào cũng sẽ làm cho khu vực rơi vào vòng xoáy mất ổn định, tổn hại tới nền
hòa bình và phát triển của một khu vực năng động nhất thế giới.
Thực
thi phán quyết để kiểm soát căng thẳng
Tại
Hội thảo “Khung COC, một năm sau phán quyết” tại Philippines (12/7/2017) nhân dịp
kỷ niệm một năm sau phán quyết, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio
Carpio - người trực tiếp tham gia vào vụ kiện, cho rằng Philippines đã “phạm
sai lầm” sau khi có phán quyết và ông cũng cảm thấy “ngạc nhiên” trước tuyên bố
đặt phán quyết ngày 12/7/2016 sang một bên của Tổng thống Duterte. Theo ông
Carpio, Trung Quốc sẽ chỉ ký COC sau khi xây dựng xong các căn cứ trên biển và
Philippines nên kiện Trung Quốc thêm một lần nữa.
Hội thảo “Khung COC, một năm sau phán quyết” tại Philippines, 12/7/2017 (Nguồn: adrinstitute.org) |
Là
quốc gia khởi kiện và đã khởi kiện thành công, rõ ràng Philippines cần tuyên
truyền rộng rãi, sử dụng phán quyết như một kết quả pháp lý quan trọng để giải
quyết tranh chấp ở Biển Đông bởi phán quyết có thể được sử dụng như một thông lệ
ứng xử quốc tế cho những vụ kiện tương lai, nếu có, và bởi phán quyết không chỉ
góp phần vào việc giải quyết vấn đề Biển Đông mà còn giải quyết các tranh chấp
về biển đảo nói chung tại các khu vực khác trên thế giới.
Với
bối cảnh hiện tại, để kiểm soát tốt căng thẳng ở Biển Đông, các bên liên quan cần
tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển, các thỏa thuận
khu vực và trước hết là phán quyết của Tòa Trọng tài. Nhất là Trung Quốc, nước
này không được để xảy ra các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, gây hậu quả
pháp lý lâu dài và đi ngược lại với nội dung phán quyết, không đưa ra bất cứ
yêu sách nào về “quyền lịch sử” hay chủ quyền theo “đường chín đoạn”, đồng thời
không tổ chức hoạt động lấn biển, xây dựng các công trình, triển khai thiết bị
quân sự trên đảo nhân tạo.
Tuân
thủ “luật chơi” là nghĩa vụ của các bên tham gia
Các
quốc gia thành viên trong cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ, trách nhiệm tận tâm thực
hiện các cam kết quốc tế. Đây là một trong nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc
tế, có giá trị đảm bảo tính bền vững, công bằng trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc,
Philippines đều là thành viên của UNCLOS, cùng các quốc gia liên quan ở Biển
Đông là thành viên trong cộng đồng quốc tế, thành viên Liên Hợp quốc, hơn nữa
Trung Quốc là nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, do đó tận tâm thực
hiện cam kết quốc tế và trước hết là phán quyết của Tòa sẽ thể hiện sự gương mẫu,
tiên phong trong việc tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Phán
quyết không chỉ tác động đến Trung Quốc, Philippines mà đã đặt ra một tiền lệ
pháp lý quan trọng giúp các nước khác xử lý tranh chấp biển với Trung Quốc.
Phán quyết đã thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc,
việc Tòa tuyên các thực thể địa lý trong khu vực Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải
lý giúp Việt Nam có đủ cơ sở phản bác các yêu cầu của Trung Quốc đối với các
vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
COC
là giải pháp mang tính lâu dài
Một
môi trường hòa bình, ổn định để phát triển cần có sự hợp tác, “chung tay” của
nhiều nước. Các quốc gia liên quan tranh chấp ở Biển Đông cần đẩy nhanh quá trình
xây dựng COC, mà quan trọng hơn phải xây dựng một COC có tính ràng buộc dựa
trên các quy định của UNCLOS 1982 và phán quyết của Tòa Trọng tài. COC sẽ giúp
ASEAN lấy lại vai trò chủ đạo của mình trong việc xây dựng môi trường hòa bình
và ổn định ở khu vực. Điều này có thể thực hiện nếu bản dự thảo COC cuối cùng
đưa vào các nội dung kết luận của phán quyết để thúc đẩy những cam kết ngoại
giao giữa các bên liên quan, theo như đề xuất của cựu ngoại trưởng Philippines
Albert Del Rosario.
Như
vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài không chỉ có ý nghĩa góp phần quan trọng vào
tiến trình giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, đem lại hòa bình, ổn định ở
khu vực và trên thế giới; ở khía cạnh khác, có ý nghĩa quan trọng không kém do
toàn bộ tiến trình vụ kiện và nội dung phán quyết đã củng cố niềm tin vào việc
sử dụng biện pháp hòa bình, trong đó có tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp
với luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp giữa các nước. Phán quyết được
đưa ra thể hiện sự đề cao tính tôn nghiêm của luật pháp quốc tế, đề cao giá trị
của công lý và hòa bình. Đó cũng là hy vọng, là mong muốn chung của các quốc
gia trên thế giới yêu chuộng hòa bình. Chính vì những lý do trên mà các nước,
nhất là các bên liên quan vụ kiện, cần tôn trọng và nghiêm túc thực thi phán
quyết của Tòa Trọng tài./.
Viethaitoday
Post a Comment