(Vietthaitoday) - Nhu cầu
tinh thần của người thành thị và sự thương mại hóa Phật giáo là yếu tố dẫn đến
sự xuất hiện của các nhà sư suy đồi.
Đây là hình ảnh khiến nhiều
người kinh ngạc: một nhóm các nhà sư mặc áo tu ngồi trên ghế một chiếc máy bay,
đưa cho nhau những phụ kiện sang trọng. Video của nhà sư Wirapol Sukphol, sinh
năm 1979, đã lan truyền rộng rãi sau khi được đăng trên YouTube vào năm 2013.
Wirapol Sukphol ngồi trên máy bay riêng trong một video công bố năm 2013. Ảnh: BBC. |
Cục điều tra đặc biệt Thái
Lan (DSI) sau đó phát hiện ra lối sống suy đồi của nhà tu hành này. Ông ta có
200 triệu baht Thái (6 triệu USD) trong 10 tài khoản ngân hàng và mua 22 chiếc
Mercedes Benz.
Wirapol đã xây một biệt thự ở
miền nam California, sở hữu một ngôi nhà lớn tại thị trấn quê nhà Ubon
Ratchathani và còn cho đúc một bản sao khổng lồ bức tượng Phật ngọc nổi tiếng ở
cung điện hoàng gia Bangkok. Ông ta tuyên bố bức tượng chứa 9 tấn vàng nhưng đó
là lời gian dối.
DSI cũng có bằng chứng về việc
Wirapol quan hệ tình dục với một số phụ nữ. Một người tố cáo cô có con với ông
ta khi 15 tuổi. Theo DSI, kết quả phân tích ADN cho thấy cáo buộc này đúng sự
thật.
Wirapol đã bị Giáo hội Phật
giáo Thái Lan khai trừ. Sau khi Wirapol trốn sang Mỹ, chính quyền Thái Lan đã mất
4 năm để dẫn độ ông ta. Wirapol bác bỏ những cáo buộc gian lận, rửa tiền và hiếp
dâm.
Ảnh hưởng lớn
Vì sao một nhà sư lại có ảnh
hưởng lớn ngay cả khi còn rất trẻ? Thái Lan là quốc gia với 95% dân số theo Phật
giáo. Sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo luôn là một phần quan trọng trong đời sống
của người dân Thái, từ lúc mới chào đời, trưởng thành, lễ cưới, ma chay đều có
liên quan đến chùa chiền và tăng sĩ.
Vì vậy, các thầy tu luôn chiếm
một vị trí đặc biệt trong lòng người dân. Hầu hết các thanh niên Thái Lan đều
được đến cúng chùa từ khi còn rất nhỏ. Những ai có thể trở thành nhà sư đều được
xem là một vinh dự cho cả bản thân và gia đình họ. Mỗi cộng đồng người
Thái, cho dù là nhỏ hay nghèo, thường cố gắng đóng góp để xây dựng chùa trong
khu vực để bảo đảm mọi người đều có nơi để hành lễ.
Tuy nhiên, việc các nhà sư
cư xử sai trái, phi phạm giới luật (227 khoản luật của người tu
hành) không mới mẻ ở Thái Lan. Những cám dỗ của cuộc sống hiện đại đã khiến
nhiều nhà sư tích lũy nhiều của cải, dùng ma túy, chơi bời, quan hệ tình dục với
đàn ông, phụ nữ và cả các chàng trai, cô gái trẻ.
Wirapol bị cảnh sát thẩm vấn. Ảnh:DSI |
Ngoài ra, còn có những ngôi
chùa thu hút nhiều tín đồ tận tụy thông qua việc quảng bá khéo léo, lôi cuốn của
nhà sư và trụ trì, được đồn là có quyền lực siêu nhiên.
Những điều này phát triển nhờ
hai khía cạnh của cuộc sống Thái Lan hiện đại: khát vọng được giúp đỡ về tinh
thần của người Thái thành thị - những người không còn mối quan hệ mật thiết với
đền chùa truyền thống ở nông thôn, và niềm tin rằng công đức một cách hào phóng
cho các ngôi chùa danh tiếng sẽ mang lại thành công và vật chất.
Wirapol là một ví dụ trong
xu hướng này. Ông ta đến tỉnh Sisaket nghèo ở đông bắc Thái Lan vào đầu những
năm 2000, thiết lập một tu viện trên đất được tặng trong làng Ban Yang. Theo
người đứng đầu khu vực, rất ít người dân địa phương đến tu viện của ông ta bởi
vì họ quá nghèo để cung cấp các khoản đóng góp mà ông ta mong đợi.
Wirapol sau đó tổ chức các
buổi lễ, bán bùa và xây dựng bản sao tượng Phật Ngọc để thu hút những tín đồ
giàu có từ các vùng khác của đất nước.
Những tín đồ này bị thu hút
bởi giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp của Wirapol và tin vào tuyên bố rằng ông ta có
quyền năng siêu nhiên như đi bộ trên mặt nước và nói chuyện với các vị thần.
Wirapol còn rất hào phóng với những người có ảnh hưởng trong tỉnh. Ông ta mua
nhiều chiếc xe làm quà tặng cho các nhà sư và quan chức vai vế.
Hiện giờ Wirapol vẫn có những
người ủng hộ. Họ cho rằng ông ta là người tốt và có quyền hưởng thụ những món đồ
xa xỉ được tặng.
Sau một loạt các vụ bê bối,
nhiều người đã công khai nói về cuộc khủng hoảng Phật giáo ở Thái Lan. Số lượng
các nhà sư thọ giới đã giảm mạnh trong những năm gần đây, nhiều chùa nhỏ ở làng
không thể tự lo liệu về mặt tài chính.
Cơ quan cai quản các tăng lữ
Phật giáo là Hội đồng Tăng già, bao gồm các tu sĩ cao tuổi nhưng họ hoạt động
không hiệu quả. Văn phòng Phật giáo Quốc gia cũng phải là một cơ quan phụ
trách vấn đề này nhưng họ gặp các vấn đề trong nội bộ và những cáo buộc về mập
mờ tài chính.
Chính phủ Thái Lan đã đưa ra
một đạo luật đòi hỏi các ngôi chùa, những nơi mỗi năm tích lũy 3 - 4 tỷ USD từ
các khoản quyên góp, phải công khai hồ sơ tài chính. Họ cũng cân nhắc về việc cấp
thẻ căn cước điện tử mới cho các nhà sư để đảm bảo những người từng có hành vi
vi phạm đạo đức không thể được thọ giới một lần nữa.
Tuy nhiên, vấn đề đạo đức
không ổn định của các nhà sư còn một phần bắt nguồn từ cách thức Phật giáo phát
triển ở Thái Lan.
Trong 150 năm, có hai hình
thức Phật giáo khác nhau ở nước này. Hình thức Thammayut quy củ hơn, được thực
hành trong những ngôi chùa danh tiếng ở Bangkok. Các nhà sư ở đây phải tuân thủ
quy tắc nghiêm ngặt, tách rời khỏi thế giới vật chất. Hình thức Mahanikai lỏng
lẻo hơn được thực hiện tại các tỉnh, nơi các nhà sư là một phần của cộng đồng,
tham gia các hoạt động khu phố, đôi khi vi phạm giới luật.
Ở các ngôi làng, chùa còn hoạt
động như các trường học hoặc trung tâm y học truyền thống và địa điểm tổ chức lễ
kỷ niệm địa phương. Người dân thường tìm lời khuyên của các nhà sư về một loạt
vấn đề. Trong môi trường đó, ranh giới giữa điều chấp nhận được và không chấp
nhận được có thể mờ nhạt.
Một căn nguyên khác là việc
thương mại hóa sự mê tín của nhiều người Thái.
Các nhà sư giờ thường được
coi như những người thực hiện các nghi lễ bán tôn giáo - như ban phước cho những
chiếc xe mới hoặc nhà mới hơn là những người thực hành giới luật. Không ai ở
Thái Lan bận tâm về việc vé số được bán trong chùa chiền.
Phra Payom Kalayano, trụ trì
của một ngôi chùa phía bắc Bangkok nổi tiếng vì lên tiếng chỉ trích việc thương
mại hóa Phật giáo, đã kêu gọi người dân Thái Lan phải cân nhắc kỹ hơn về việc
quyên góp.
"Ngày nay nhiều người,
đặc biệt là người giàu, nghĩ rằng việc tốt là phải đổ tiền cho các ngôi chùa. Họ
có đức tin nhưng họ biết suy nghĩ. Đó không phải là làm việc tốt, đó chỉ là đức
tin mù quáng", ông nói.
"Đồng thời, nhiều nhà
sư cũng ngốc nghếch. Họ không biết cách quản lý tiền công đức. Thay vì dùng tiền
để làm việc tốt và xây dựng uy tín cho chùa, các nhà sư lại tự chuộc lấy các
cáo buộc hình sự", ông nói.
Tuy nhiên, nhiều người cũng
nhấn mạnh rằng không thể nhìn vào trường hợp nhà sư suy đồi như Wirapol
Sukphol để đánh đồng cộng đồng Phật giáo. "Các nhà sư chưa hiểu được rõ những
lời giảng dạy của Đức Phật mới là những người dễ bị lạc lối bởi những cám dỗ trong
cuộc sống", một nhà hoạt động nhận xét.
Theo VnEpress
Post a Comment