Bangkok Vietnam Express
Tin hót

22 May 2017

Điểm nhấn thành công của Hội nghị lần thứ hai quan chức cấp cao APEC

(Vietthaitoday) - Ngày 21/5, Hội nghị lần thứ hai các quan chức cấp cao (SOM 2) của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan đã kết thúc tốt đẹp, đánh dấu nửa chặng đường thành công của năm APEC 2017 do Việt Nam làm chủ nhà.
Tái đăng cai APEC sau 11 năm, với phương châm phối hợp cùng các nền kinh tế thành viên xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển, kết nối và thịnh vượng, sau khi thảo luận và được sự ủng hộ cao của các thành viên APEC, Việt Nam đã xác định chủ đề của Năm APEC 2017 là: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Chủ tịch SOM APEC Việt Nam 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Than Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị SOM 2 ngày 17/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Mặc dù số lượng cuộc họp lần này ít hơn SOM 1, song tầm vóc và quy mô các hoạt động lại lớn hơn, nội dung cũng phong phú hơn. Tại SOM 2, nhiều sáng kiến và hoạt động nâng cao năng lực đã được các thành viên đưa ra trên các lĩnh vực đô thị hóa, phát triển nguồn nhân lực, đặt người dân làm trung tâm, xây dựng hệ thống thương mại đa phương bền vững…
Đặt người dân, doanh nghiệp ở trung tâm phát triển
Phát biểu tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai ngày 16/5, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang cho rằng, chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia và thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung.
Ông Trần Đại Quang cho rằng, đây là thời điểm các nền kinh tế APEC đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ tiến trình toàn cầu hóa mới, tiến bộ hơn. “Chúng ta cần thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia và thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung. Đồng thời, chúng ta cần làm tốt công tác thông tin để công chúng thấy được những lợi ích của toàn cầu hóa, của tự do thương mại và đầu tư, chung tay thúc đẩy một mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn”.
Ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững về kinh tế, tài chính, xã hội, môi trường, ông Trần Đại Quang cho rằng APEC cần hết sức chú trọng thúc đẩy giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một hệ thống các giải pháp chính sách xã hội tích cực, chủ động nhằm bảo đảm mọi thành phần xã hội có thể tham gia tích cực và thụ hưởng thành quả từ cách mạng công nghệ trong kỷ nguyên số. APEC cũng cần liên tục thích ứng với những thay đổi của thế giới và khu vực. Lịch sử đã chứng minh các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực 1997 - 1998 và khủng hoảng toàn cầu 2008 - 2009 không những không khiến APEC “mất đà” mà còn làm nổi bật hơn vai trò của Diễn đàn trong việc dẫn dắt các xu thế tăng trưởng và liên kết kinh tế ở khu vực và trên thế giới.
Tại Đối thoại, Đại sứ Donald Campbell, đồng Chủ tịch Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) cho rằng sự chuyển đổi về chính trị và xã hội trong các nền kinh tế đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực hơn của các bên liên quan trong việc hình thành chính sách. Cách tiếp cận chiến lược tập trung vào tăng trưởng toàn diện vẫn là điều rất quan trọng - theo ông Campbell.
Xây dựng hệ thống thương mại đa phương bền vững
Hội nghị các bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần thứ 23 (MRT 23) diễn ra từ ngày 20 đến 21/5 tại Hà Nội. Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, Chủ tịch MRT 23, chủ trì họp báo về kết quả hội nghị. Ông thông báo, MRT 23 đạt được bốn kết quả chính.
Thứ nhất, MRT 23 đã hoàn thành vai trò là bước đệm tốt trong việc rà soát quá trình thực hiện chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2017, chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, diễn ra tháng 11 tại Đà Nẵng.
Thứ hai, tại MRT 23, các thành viên đều ủng hộ mạnh mẽ sự cần thiết duy trì vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, là cái nôi của các ý tưởng hợp tác, liên kết khu vực, vì thịnh vượng chung của châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị nhất trí tiếp tục thúc đẩy việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.
Thứ ba, MRT 23 đã thể hiện quyết tâm của APEC trong việc tiếp tục xây dựng một hệ thống thương mại đa phương bền vững, minh bạch, lấy luật lệ làm cơ sở và là nền tảng quan trọng cho thương mại quốc tế. MRT 23 cũng thể hiện sự ủng hộ của APEC đối với Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 tại Argentina tháng 12 năm nay.
Thứ tư, MRT 23 đã rà soát việc xây dựng một số sáng kiến và ưu tiên của năm APEC 2017 như: Xây dựng Khuôn khổ Tạo thuận lợi cho Thương mại điện tử Xuyên biên giới; Xây dựng Khuôn khổ APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; Xác định tầm nhìn cho APEC giai đoạn hậu 2020… Đây là những sáng kiến tích cực và thiết thực sẽ được trình lên Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 29 và Hội nghị Cấp cao 25 xem xét thông qua.
Tuyên bố bộ trưởng về TPP
Cũng trong ngày 21/5, các bộ trưởng phụ trách thương mại của Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore và Việt Nam ra tuyên bố nhất trí rằng, cần phải hiện thực hóa những lợi ích của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Các bộ trưởng, thứ trưởng khẳng định lại kết quả cân bằng, tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược của TPP. Các bộ trưởng nhấn mạnh các nguyên tắc và tiêu chuẩn cao của hiệp định này là cách để đẩy mạnh hội nhập kinh tế trong khu vực, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, tạo thêm cơ hội cho người lao động, hộ gia đình, nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cho rằng cần phải hiện thực hóa những lợi ích của TPP, các bộ trưởng nhất trí giao cấp kỹ thuật nghiên cứu các kịch bản phù hợp để nhanh chóng thực thi hiệp định toàn diện và tiêu chuẩn cao này, trong đó bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia của các nước ký kết ban đầu. Các bộ trưởng đã chỉ đạo các trưởng đoàn xúc tiến việc chuẩn bị cho nhiệm vụ này và yêu cầu hoàn tất trước khi các nước TPP nhóm họp bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh khả năng mở rộng TPP cho các nền kinh tế khác tham gia nếu họ có thể chấp nhận các tiêu chuẩn cao của hiệp định.
Khẳng định vai trò, vị thế ngày càng cao của nước chủ nhà Việt Nam
SOM 2 đã cụ thể hóa 4 ưu tiên của APEC 2017 do Việt Nam đề xuất, được các nền kinh tế thông qua trong Hội nghị SOM 1 ở Nha Trang, đó là: Thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, bền vững và bao trùm khu vực; Thúc đẩy liên kết sâu rộng khu vực; Hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phát triển bền vững và sáng tạo trong kỷ nguyên số; Phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các kết quả của Hội nghị SOM 2 sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy triển khai chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2017, tạo những cơ sở ban đầu để định hướng nội dung và văn kiện sẽ được trình lên các bộ trưởng và các lãnh đạo APEC vào tháng 11 tới tại TP Đà Nẵng.
Sự chuẩn bị chu đáo, tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức và chủ trì của Việt Nam đã được các thành viên APEC và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Điều này cũng thể hiện nỗ lực, sự phối hợp ngày càng đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, cơ quan của Ủy ban quốc gia APEC 2017, sự đóng góp tích cực của các sở, ban, ngành và người dân Thủ đô Hà Nội. Với nhiều hoạt động phong phú, Việt Nam cũng đã giới thiệu đến bạn bè APEC vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa, con người, tiềm năng thương mại, đầu tư, du lịch của đất nước, đặc biệt là TP Hà Nội giàu truyền thống, năng động và đang phát triển mạnh mẽ.
Vietthaitoday

""

Post a Comment

QC
 
Copyright © 2016 Việt Thái Today
Design by FBTemplates | BTT