Bangkok Vietnam Express
Tin hót

30 Apr 2017

Thái Lan và cuộc trấn áp mang thai hộ

(Vietthaitoday) - Sau thời gian dài thả lỏng với hàng loạt vụ bê bối xảy ra, từ ngày 30-7-2015, chính phủ Thái Lan chính thức thông qua luật cấm phụ nữ nước này mang thai hộ cho người nước ngoài.
Thái Lan từng là lựa chọn hàng đầu cho nhiều cặp vợ chồng trên thế giới muốn tìm kiếm người mang thai hộ bởi chi phí khá rẻ. Các quan chức ước tính có hàng trăm trẻ em ra đời từ ngành công nghiệp đẻ thuê ở nước này mỗi năm. Khách hàng ở đây chủ yếu là người nước ngoài đến từ Úc, Mỹ và cả Trung Đông.
Thái Lan trấn áp mang thai hộ, mang thai hộ tại Thái Lan, mang thai hộ, đẻ thuê
Bé trai được chẩn đoán mắc hội chứng Down hiện vẫn được người mẹ thay thế nuôi dưỡng. Ảnh: REUTERS
Bị bắt vì buôn lậu… tinh dịch
Mới đây, cảnh sát Thái Lan bắt giữ một người đàn ông với cáo buộc buôn lậu sáu lọ đựng tinh dịch sang Lào. Người đàn ông bị bắt có tên Nithinon Srithaniyanant, 25 tuổi, bị buộc tội vi phạm đạo luật cấm buôn bán tinh dịch, trứng và phôi. Nghi phạm này bị phạt tiền 200 baht (khoảng 132.000 đồng).
Theo viên chức hải quan Pichit Leelat, khi người này đang xuất cảnh ở thị trấn Nong Khai thuộc phía Bắc Thái Lan vào chiều 20-4, các nhà chức trách phát hiện trong túi của anh này có một bình đựng khí nitơ chứa các lọ tinh dịch. Cảnh sát cho hay số tinh dịch được lấy từ đàn ông Trung Quốc và Việt Nam.
Người đàn ông khai với cảnh sát rằng anh ta đang chuyển hàng cho một cơ sở sinh sản ở thủ đô Vientiane, Lào. Nghi phạm thu thập tinh dịch từ các bệnh viện ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Người đàn ông này thừa nhận rằng anh đã mang ống tinh dịch này đến phòng khám ở Lào 12 lần, đến bệnh viện và phòng khám ở Campuchia 13 lần kể từ năm ngoái. Mỗi lần anh ta được trả 5.000 baht (khoảng 3.300.000 đồng).
TS Chatchawal Ritthiti, Phó phòng Y tế công cộng ở thị trấn Nong Khai, cho biết các ống tinh dịch bị tịch thu này sẽ được giới chức tiến hành kiểm nghiệm. Ông Chatchawal cho biết các ống tinh dịch vốn được nghi phạm chuyển đến các bệnh viện để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Các bác sĩ Thái Lan có thể ra nước ngoài để thực hiện quy trình này cho người thuê.
Sau khi Thái Lan chính thức cấm người nước ngoài trả tiền thuê phụ nữ Thái đẻ thuê vào năm 2015 và Campuchia ra luật này vào năm 2016, Lào hiện là quốc gia nở rộ dịch vụ cho thuê bụng này.
Luật cấm “cho thuê bụng”
Dịch vụ mang thai hộ ở Thái Lan từng được xem là đã thương mại hóa và cũng không có trường hợp cấm cụ thể nào. Chi phí mang thai hộ ở Thái Lan cũng rất rẻ, từ 50.000 USD, trong khi đó tại Mỹ dịch vụ này thấp nhất cũng có giá 150.000 USD.
Tuy nhiên, sau thời gian dài thả lỏng với loạt vụ bê bối liên quan đến dịch vụ này, từ ngày 30-7-2015 chính phủ Thái Lan chính thức thông qua luật cấm phụ nữ nước này mang thai hộ người nước ngoài. Theo Bộ trưởng Y tế Rajata Rajatanavin, luật này cấm thương mại hóa mang thai hộ cũng như bán trứng hoặc tinh trùng. Ngoài ra, người đồng tính cũng không được phép mang thai hộ, trừ những cặp đôi đồng tính đã kết hôn hơn ba năm.
Nếu phạm luật, cả người mang thai hộ và người thuê có thể bị phạt tù 10 năm, phạt tiền 200.000 baht (khoảng 132 triệu đồng), người môi giới sẽ bị phạt tù đến năm năm và 100.000 baht (khoảng 67 triệu đồng) trong khi bác sĩ vi phạm sẽ bị phạt đến một năm tù và 20.000 baht. Mua bán trứng và tinh trùng cũng bị tù một năm và 60.000 baht.
“Thái Lan và phụ nữ ở đây sẽ không còn là trung tâm đẻ thuê nữa” - nhà lập pháp Thái Lan Wallop Tungkananurak phát biểu. Trong khi đó, ông Rarinthip Sirorat, một quan chức Bộ Phát triển xã hội Thái Lan, cũng khẳng định mục đích của quy định này là nhằm bảo đảm “lợi ích tối đa cho các em bé được mang thai hộ”.
Theo luật mới này, các bà mẹ muốn mang thai hộ phải là công dân Thái Lan, 25 tuổi trở lên, có họ hàng với người vợ hoặc chồng của gia đình cần mang thai hộ và được sự đồng ý của chồng mình. Đối với những người là con một, Bộ Y tế sẽ xét từng trường hợp. Trong khi đó, những cặp vợ chồng hiếm muộn muốn nhờ người mang thai hộ phải có giấy đăng ký kết hôn. Những cặp đôi này phải qua sự kiểm tra của bác sĩ và được sự đồng ý từ 15 thành viên trong hội đồng giám sát.
Ngoài ra các cặp vợ chồng, người đi thuê mang thai hộ sẽ có toàn quyền với em bé được sinh ra, bởi trước đó do không có quy định này nên đã có nhiều trường hợp éo le xảy ra vì tranh chấp giữa cha mẹ ruột và người mang thai hộ.
Những góc khuất “đẻ thuê”
Ở Thái Lan, có những ngôi làng mà phụ nữ ở đây chuyên làm nghề đẻ thuê. Theo một phóng sự của tờ Bangkok Post, những người chuyên đi đẻ thuê thường là người rất nghèo, đã có gia đình và ít nhất một lần sinh nở. Những người phụ nữ này được các cò mồi xuống tận làng để đặt hàng và mỗi lần mang thai họ được trả khoảng 350.000- 500.000 baht (tương đương 300-328 triệu đồng), sinh đôi sẽ nhận gấp đôi. Các bà mẹ đẻ thuê sẽ được đưa lên Bangkok để cấy trứng đã thụ tinh, sau đó về làng dưỡng thai rồi quay lại Bangkok để sinh.
Tuy nhiên, không phải trường hợp “cho thuê bụng” nào cũng thuận lợi. Các vụ bê bối xung quanh vấn đề này được xem là lý do chính khiến chính phủ nước này quyết định đề ra luật cấm. Hồi năm 2014, một đôi vợ chồng người Úc đã thuê một cô gái Thái Lan sinh hộ. Tuy nhiên, sau khi cô gái này cho ra đời một cặp song sinh, đôi vợ chồng này chỉ mang theo bé gái rời đi mà bỏ lại bé trai vì bé này có triệu chứng của bệnh Down. Vụ việc sau đó đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và gây nên những tranh cãi không dứt. Đứa bé bị bỏ lại hiện vẫn được người phụ nữ mang thai hộ nuôi dưỡng.
Vụ bê bối thứ hai xảy ra vào một tháng sau đó khi một người đàn ông Nhật Bản giàu có đã lập nên một đường dây mang thai hộ lớn nhất đất nước và thuê một lượt 11 người phụ nữ ở Thái Lan mang thai hộ, kết quả là 16 đứa trẻ ra đời. Một bà mẹ từng mang thai hộ cho người đàn ông Nhật Bản này cho biết cô đã được trả 19.000 baht/tháng trong suốt chín tháng mang thai. Khi sinh con cô được nhận số tiền 300.000 baht, ở với con thêm bốn ngày rồi từ đó chưa bao giờ nhìn thấy đứa trẻ thêm một lần nào nữa.
Một người mẹ 26 tuổi khác cũng cho biết cô đồng ý mang thai với giá 19.000 baht (khoảng 12 triệu đồng/tháng) và sau khi sinh con cô được 350.000 baht. Tuy nhiên, số tiền này cô cũng phải dành dụm để lo cho gia đình với 10 thành viên của mình. Tất nhiên gia đình cô chẳng ai muốn cô đẻ rồi bán con đi như vậy nhưng vì căn nhà đã quá dột nát đến mức gần như không thể ở được nữa, họ cần tiền sửa nhà và trả một phần số nợ đã vay từ trước đó.
Theo PLO

""

Post a Comment

QC
 
Copyright © 2016 Việt Thái Today
Design by FBTemplates | BTT