(Vietthaitoday) - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS
đã mở rộng chân rết vào Đông Nam Á. Mức độ dính líu của IS vào xung đột ở miền
nam Thái Lan đến đâu?
Kể từ khi các nhóm Hồi giáo ở Đông Nam Á bắt đầu gia
nhập IS vào năm 2014, ít có thông tin đáng tin cậy nào cho thấy các phần tử Hồi
giáo Mã Lai ở khu vực bất ổn cực nam Thái Lan đã gia nhập IS.
Cờ IS. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên thực tế đã thay đổi sau khi cảnh sát
Malaysia vào ngày 7/2 cho biết một trong 6 nghi phạm IS mà họ bắt giữ sở hữu
các vật liệu chế tạo bom ở bang Kelantan của Malaysia giáp miền nam Thái Lan là
thành viên của nhóm BRN – nhóm nổi dậy chính đang chiến đấu chống lại lực lượng
an ninh Thái Lan trong khu vực.
Những người Hồi giáo Mã Lai ở các tỉnh cực nam của
Thái Lan là Pattani, Narathiwat và Yala có mối liên hệ về tôn giáo và dân tộc
với đa số các chiến binh thánh chiến có mối liên hệ với IS ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên BRN được biết đến là có thái độ tránh xa
phong trào thánh chiến cực đoan Salafi của IS, bao gồm cả tham vọng thiết lập
một caliphate Hồi giáo toàn cầu. BRN chủ yếu theo đuổi mục tiêu tự quyết và độc
lập với chính quyền Thái Lan.
Hơn một năm trước, giới chức Thái Lan đã cảnh báo phía
Malaysia rằng nghi phạm IS Uzman Jeh-umong 40 tuổi mang quốc tịch Thái Lan,
đang lẩn trốn ở bang Kelantan của Malaysia. Giới chức Thái Lan cho biết, kể từ
khi gã này bị bắt vào tháng 2/2017,
Malaysia đã khước từ yêu cầu của Thái Lan về việc dẫn độ. Trong khi đó,
các nguồn tin thân cận với phong trào ly khai cho biết nghi phạm IS này đã được
thả tự do.
Các quan chức an ninh Thái Lan và Malaysia trong quá
khứ mâu thuẫn với nhau trong cách xử lý các phần tử Hồi giáo Mã Lai sử dụng
Malaysia làm vùng đất thánh và nơi lên kế hoạch “tác chiến”.
Giới chức Thái Lan thường phàn nàn rằng các đối tác
Malaysia, nhất là ở vùng biên giới Kelantan, thường phớt lờ các lời kêu gọi của
Thái Lan hãy trấn áp các phần tử ly khai trên lãnh thổ của họ.
Nhà chức trách Malaysia thường im hơi lặng tiếng về
các vụ bắt bớ gần đây được cho là liên quan đến IS. Họ cũng không tiết lộ với
truyền thông chi tiết về Uzman và 5 kẻ bị bắt giữ khác mà phía Thái Lan tin
rằng đó đều là các phần tử nổi dậy BRN nhưng không có mối liên hệ với tổ chức
Hồi giáo cực đoan IS.
Giới chức Malaysia tuyên bố rằng Uzman là thủ lĩnh của
RKK – các đơn vị đặc nhiệm của BRN ở thị trấn Yala miền nam, và 4 huyện sát
tỉnh Songkhla.
Tất nhiên Malaysia đã đẩy mạnh các nỗ lực chống khủng
bố để ngăn chặn IS tiến sâu vào lãnh thổ nước này.
Vào ngày 5/3, giới chức Malaysia tiết lộ rằng 7 nam
giới, bao gồm một người Indonesia, đã bị bắt vào cuối tháng 2/2017 do dính líu
vào các hoạt động khủng bố lấy cảm hứng từ lực lượng IS.
Các nguồn tin Thái Lan gợi ý rằng một số quan chức
Malaysia có xu hướng thổi phồng nguy cơ IS nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của
công chúng trước nạn tham nhũng trong nước.
Mặc dù một số thành viên BRN được biết là có quan hệ
cá nhân với các nhóm liên Hồi giáo, phong trao nổi dậy này đã ngăn chặn một số
nhóm khủng bố đến từ bên ngoài, trong đó có nhóm Jemaah Islamiyah có cơ sở
chính ở Indonesia, thiết lập căn cứ mới hay mở các cuộc tấn công từ các khu vực
mà BRN kiểm soát. Jemaah Islamiyah chịu trách nhiệm về loạt đánh bom Bali năm
2002 ở Indonesia khiến nhiều người thiệt mạng.
Đây là một phần lý do vì sao các nguồn tin an ninh tin
rằng BRN, vốn tránh tư tưởng bài phương Tây và ngôn ngữ quá khích của các nhóm
Hồi giáo khu vực, nhiều khả năng sẽ cự tuyệt lại yêu cầu của IS muốn được hiện
diện và tuyển người ở khu vực bất ổn này.
Nhưng mặt khác trong một số người địa phương có những
đồn đoán cho rằng một nhóm người Hồi giáo Mã Lai từ cực nam Thái Lan đã đi sang
Syria để chiến đấu cho IS và rằng các thành viên IS ở Malaysia đã sử dụng Thái
Lan làm điểm trung chuyển trên đường sang Syria hoặc Iraq.
Vùng cực nam Thái Lan. Đồ họa: ATimes. |
Phó Tư lệnh cảnh sát Thái Lan Sriwara Rangsipramanakul
vào tháng 11/2016 đã công khai xác nhận một báo cáo tình báo của Australia cho
rằng Thái Lan đã hỗ trợ tài chính cho IS và trên một 100.000 người sử dụng
Facebook đã ghé thăm các trang web liên quan đến IS vào năm 2016. Thế nhưng một
ngày sau, Sriwara rút lại tuyên bố của mình và nói rằng thông tin trên đến từ
các nguồn tin Australia chứ không phải Thái Lan. Ông khẳng định không có phong
trào IS ở Thái Lan.
Các quan chức Thái Lan khác thừa nhận rằng việc giám
sát hoạt động của các mạng xã hội cho thấy sự ủng hộ về tư tưởng cho IS ở khu
vực thiểu số nhiều xung đột này, nơi có khoảng 7.000 người thiệt mạng vì bạo
lực từ năm 2004. Tuy nhiên, họ cho biết không có bằng chứng cho thấy người Hồi
giáo Mã Lai ở Thái Lan đã gia nhập hoặc cộng tác với IS.
Mặc dù lực lượng nổi dậy BRN tiến hành đánh bom ở các
khu vực nhiều du khách nước ngoài vào các năm 2015 và 2016, các vụ này thường
không gây nhiều thương vong.
Giới phân tích tin rằng nếu các mâu thuẫn ở miền nam
Thái Lan không được giải quyết thấu đáo, thì có nguy cơ thế hệ con cái của các
phần tử ly khai cứng rắn ở đây sẽ gia nhập hoặc hợp tác với IS, làm tăng mức độ
đẫm máu trong các vụ khủng bố ở khu vực du lịch miền nam Thái Lan./.
Theo VOV
Post a Comment