(Vietthaitoday)
- Nhiều tài liệu, bài báo gọi sự kiện Trung Quốc dùng tàu chiến, pháo hạm quân
sự tấn công lực lượng công binh của Việt Nam ngày 14/3/1988 là “cuộc hải chiến
Trường Sa”.
Nhìn
lại lịch sử
Từ
đầu năm 1988, Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng một số bãi đá thuộc quần đảo Trường
Sa cũng như đưa hai hạm đội xuống khu vực này. Nhận thấy tình hình có thể diễn
biến phức tạp, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam quyết định triển khai lực lượng xây
dựng và bảo vệ các đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao do nằm trên tuyến đường tiếp tế
đặc biệt quan trọng ở Trường Sa. Chiến dịch này còn được biết đến với tên gọi
CQ88 (Chủ quyền 88). Bắt đầu từ ngày 12/3/1988, ba chiếc tàu vận tải của Lữ
đoàn 125 mang số hiệu HQ604, HQ605 và HQ505 chở theo một số phân đội của Trung
đoàn công binh 83 và Lữ đoàn 146 đến các bãi đá này. Tuy nhiên, giao tranh chủ
yếu diễn ra ở đá Gạc Ma - cuộc chiến đẫm máu nhất trong chiến dịch này.
Nhiều
tài liệu, bài báo gọi sự kiện Trung Quốc dùng tàu chiến, pháo hạm quân sự tấn
công lực lượng công binh của Việt Nam ngày 14/3/1988 là “cuộc hải chiến Trường
Sa”. Tuy nhiên, một số học giả quốc tế nghiên cứu về Biển Đông cho rằng gọi là
“hải chiến” hoàn toàn không chính xác bởi khi đó lực lượng của Việt Nam trên
các đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma là công binh và các tàu của Việt Nam làm nhiệm
vụ trong khu vực là tàu vận tải, không hề được trang bị vũ khí. Trong trận chiến
kéo dài chưa đầy nửa giờ đồng hồ rạng sáng ngày hôm đó, 64 lính công binh của
Việt Nam đã hy sinh, 11 người bị thương và 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về
Quảng Đông.
Gạc
Ma - bãi đá với vị trí địa chiến lược đặc biệt
Từng
dành nhiều thời gian nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng)
nhận định, Gạc Ma nằm ở vị trí phía Tây của quần đảo Trường Sa và là một trong những
bãi đá xung yếu, chiếm được Gạc Ma sẽ quản lý được vùng biển phía Tây. “Nếu chiếm
được bãi đá này thì với tiềm lực mạnh, Trung Quốc sẽ dễ dàng khống chế được cả
vùng biển xung quanh”, ông Ngữ phân tích.
Theo
GS Nguyễn Đăng Hưng (Đại học Liège, Bỉ), lựa chọn Gạc Ma vì Trung Quốc muốn có
một pháo đài ở trung tâm Biển Đông. Bãi đá Gạc Ma gần như nằm ở giữa Việt Nam
và Philippines, ở vị trí đó Việt Nam muốn lấy lại cũng rất khó khăn vì xa bờ.
Trung Quốc muốn ở một vị trí an toàn và với việc chiếm được Hoàng Sa, họ có được
thế gọng kìm tam giác, từ Hải Nam xuống Hoàng Sa và Gạc Ma để khống chế Biển
Đông. Thời điểm đó Việt Nam cũng không có tàu chiến hiện đại và đủ sức lấy lại
được.
Nguyên
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm phân tích, Gạc Ma là một bãi đá nằm cài răng lược, hay
còn gọi là cài da báo, ở cụm đảo Nam Yết Sinh Tồn, cách các đá khác do hải quân
Việt Nam bảo vệ không xa. Trung Quốc có chủ trương xâm lược từ lâu, do đó thời
gian qua họ đã tung lực lượng chiếm đóng bất hợp pháp các đá từ Chữ Thập đến Gạc
Ma, cách nhau 135 km. Từ Đá Gạc Ma cho đến Đá Vành Khăn ở phía đông cách nhau
khoảng 170km. Chúng nằm trên một vĩ tuyến, từ Chữ Thập cho đến Vành Khăn. Ý đồ
của Trung Quốc là tạo ra một tuyến dài hơn 300 km cắt ngang biển Đông, cài răng
lược với các đá, đảo Hải quân Việt Nam đang bảo vệ.
Gạc
Ma của hiện tại
29
năm sau ngày xảy ra sự kiện Gạc Ma, các phương tiện truyền thông quốc tế vẫn
đang hàng ngày đưa tin về việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng tại một số thực
thể mà nước này đã xây dựng và cải tạo ở Biển Đông. Chỉ trong hơn hai năm,
Trung Quốc đã bồi đắp đá Châu Viên thành một đảo nổi có diện tích 231.000 m2,
đá Subi thành một đảo nổi có diện tích 4 triệu m2, đá Chữ Thập có diện tích 2,7
triệu m2, đá Vành Khăn 5,5 triệu m2, đá Gaven 1.360 m2, đá Tư Nghĩa là là 1.400
m2 và đá Gạc Ma là 109.000 m2. Tổng cộng diện tích Trung Quốc bồi đắp các đảo ở
Trường Sa là khoảng 1.300 ha. Quy mô bồi đắp như vậy có thể coi là là lớn nhất
thế giới từ xưa tới nay.
Tại
bãi đá Gạc Ma, đầu năm 2014, Trung Quốc cho xây dựng một nền bê tông nhỏ với một
cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú. Nhưng đến nay, phần nền bê tông
đã trải rộng trên diện tích 10.000 m2. Trên bãi đá hiện có các công trình như
kênh tiếp cận, nhà máy xi măng, tháp phòng thủ, bơm khử mặn, bơm nhiên liệu, cơ
sở quân sự nhiều tầng, rađar, trạm liên lạc, bãi đáp trực thăng, cầu cảng và đê
chắn sóng gia cố.
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Gạc Ma. Ảnh: CSIS |
Sau
khi cải tạo và bồi đắp thành đảo nhân tạo, Trung Quốc tập trung xây dựng căn cứ
quân sự. Tại đá Gạc Ma có sân bay với đường băng khoảng 2.400 m, phục vụ các loại
máy bay tiêm kích hoạt động còn đá Chữ Thập có đường băng dài hơn 3.000m, phục
vụ cho việc lên xuống của máy bay ném bom chiến lược tầm xa. Không dừng lại ở
đó, Trung Quốc cũng đã xây các quân cảng ở đây, lắp 4 radar tần số cao ở bốn
bãi đá: Gạc Ma, Gaven, Tư Nghĩa và Châu Viên. Cùng với việc xây dựng căn cứ
quân sự, Trung Quốc cũng xây dựng các công trình dân sự như: trạm y tế, trung
tâm cứu trợ, cứu nạn trên biển, cơ sở dịch vụ tàu biển…
Lằn
ranh đỏ cho các hoạt động của Trung Quốc
Việc
Trung Quốc cải tạo, quân sự hóa các thực thể tại vùng biển tranh chấp là hành
vi vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển
1982, đi ngược lại các cam kết của nước này và gây ra những tác động tiêu cực đến
an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Nhưng các vi phạm của
họ sẽ phải dừng lại trước những giới hạn nhất định.
Phán
quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên Hợp Quốc
về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đã vô hiệu hóa những tuyên bố chủ quyền
trên biển rộng lớn của Trung Quốc tại một khu vực chắc chắn là một trong những
tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Phán quyết này còn cho rằng Trung
Quốc đã vi phạm 6 quy định của UNCLOS, trong đó có việc gây thiệt hại không thể
khắc phục được đối với các rạn san hô vì những nỗ lực cải tạo và xây dựng của Bắc
Kinh để tạo ra một số đảo lớn hơn nhằm xây sân bay và nhà ở. Đây là một phán
quyết lịch sử với những ảnh hưởng to lớn tới tương lai của Biển Đông và các
vùng biển khác trên toàn cầu.
Trong
một thế giới đa cực với lợi ích đan xen, Trung Quốc giờ đây sẽ phải lo ngại về
uy tín quốc tế của mình nếu vẫn tiếp tục hành động đơn phương bất chấp luật
pháp quốc tế, cứng nhắc trong cách tiếp cận đối với vấn đề Biển Đông. Càng khó
khăn hơn cho Trung Quốc để được cộng đồng quốc tế công nhận vai trò lãnh đạo có
trách nhiệm nếu không thể hiện thiện chí và thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển
Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Vietthaitoday
Post a Comment