(Vietthaitoday)
- Cục Sở hữu Trí tuệ Thái Lan (DIP) trong một tuyên bố mới đây cho biết sẽ có
những hành động cứng rắn nhằm đối phó với tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí
tuệ, hàng giả mạo được bán tràn lan trên các kênh trực tuyến hiện nay.
Ông Thosapone Dansuputra, Tổng Giám đốc
DIP, cho biết tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Thái Lan tiếp tục gia
tăng. Năm ngoái, 4 người đã bị khởi tố về những hành vi buôn bán hàng giả trên
Facebook, 16 trang web có liên quan cũng buộc phải đóng cửa.
Ảnh minh họa |
“DIP sẽ nâng cao các biện pháp bằng cách
giao một danh sách các tên tội phạm về Cục Thuế để cơ quan này có hồ sơ kiểm
tra”, ông Thosapone nói thêm. Được biết, trong danh sách này của DIP hiện tại
đã có tên của 100 đối tượng.
Ngoài ra, ông Thosapone còn cho biết Chính
phủ Thái Lan cũng đã dùng một loạt các biện pháp để ngăn chặn các hành vi vi
phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó bao gồm cả việc sửa đổi pháp luật và huy
động các đội đàn áp để đối phó với vấn đề này.
Hiện các quan chức Hoa Kỳ cũng rất quan
tâm đến vấn đề này và mong muốn nhìn thấy sự tiến bộ của Thái Lan trong việc
giải quyết loại tội phạm ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ này.
Được biết, hiện DIP đang đẩy mạnh các
chiến dịch bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng cách dựng biển báo tại các sân bay
để kêu gọi mọi người không mua, bán, sử dụng hàng giả.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng được yêu cầu
đặt biển báo tại trụ sở các đại sứ quán nước ngoài, kêu gọi du khách không mua
hàng giả ở Thái Lan. Người đứng đầu DIP hy vọng các biện pháp này sẽ giúp giảm
số lượng hàng giả trong thời gian tới.
Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm
2016, cảnh sát Thái Lan đã thu giữ hơn 2,5 triệu sản phẩm giả mạo; trong khi
cùng kỳ năm 2015, con số này chỉ là dưới 1 triệu sản phẩm.
Riêng Cục Điều tra đặc biệt trong năm
ngoái đã tịch thu số lượng là 1 triệu mặt hàng giả, tăng hơn 713.000 sản phẩm
so với năm trước đó. Tính tổng cộng thì số lượng các sản phẩm giả mạo bị thu
giữ trong năm ngoái tăng 84% so với năm 2015.
Ở một diễn biến liên quan, hiện Bộ Thương
mại Thái Lan đang có nhiều chính sách khuyến khích các cộng đồng địa phương
đăng ký chỉ dẫn địa lý (GI) cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương mình để
tránh việc bị giả mạo sản phẩm.
Mặt khác, việc đăng ký GI sẽ tạo ra giá
trị cho các sản phẩm, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.
Minh Luân (Theo Bangkok Post)
Post a Comment