Bangkok Vietnam Express
Tin hót

9 Jan 2017

"7 ngày tử thần" về TNGT ở Thái Lan

(Vietthaitoday) - 7 ngày mừng năm mới theo lịch dương được người dân Thái Lan gọi là “7 ngày tử thần” vì năm nào số người thương vong vì TNGT cũng không thể kiểm soát.
Tai nạn giao thông tại Thái Lan, tai nạn giao thông tết dương lịch tại Thái Lan
Thái Lan đang rút kinh nghiệm đảm bảo ATGT dịp Tết Dương lịch để chuẩn bị giảm thiểu TNGT dịp lễ té nước Songkhran.
478 người thiệt mạng - tăng kỷ lục trong 10 năm
Từ ngày 29/12/2016 - 4/1/2017, Thái Lan xảy ra 3.919 vụ tai nạn khiến 478 người thiệt mạng và 4.128 người bị thương vì TNGT đường bộ. Đáng chú ý, phần lớn những người gặp tai nạn (36,6%) đều do sử dụng rượu, bia. Tiếp đó, “thủ phạm” đứng thứ hai gây TNGT là tốc độ (31,3%). Ngoài ra, 81,82% vụ tai nạn có liên quan tới xe máy.
Như vậy, so sánh với các năm trước, tổng số người thiệt mạng vì TNGT tuần lễ năm mới 2017 của Thái Lan cao kỷ lục trong 10 năm trở lại đây, bất chấp chiến dịch đảm bảo ATGT được triển khai từ sớm.
Năm nay, từ ngày 26/12, chính quyền Thái Lan thực hiện chiến dịch đảm bảo ATGT dịp lễ, Tết, trong đó thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức… Trong 7 ngày, Thái Lan đã kiểm tra 4,4 triệu phương tiện và phạt 727.438 người vì vi phạm Luật Giao thông. Đặc biệt, năm nay còn có thêm biện pháp lạ đó là tặng gạo cho người thực thi tốt Luật Giao thông.
Theo Daily News, Cảnh sát trưởng Thủ đô Bangkok Sanit Mahathavorn cho biết, lực lượng này sẽ mua gạo giúp nông dân và tặng số gạo đó cho những người tuân thủ Luật Giao thông. Mỗi hành vi tốt như đội MBH, thắt dây an toàn, không sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện sẽ được tặng 300gr gạo ngon. Để thực hiện biện pháp này Cảnh sát Thủ đô đã phát khoảng 100kg gạo/mỗi đồn cho 88 đồn cảnh sát.
“Rất không may, con số thương vong vẫn tăng, mặc dù Chính phủ và các lực lượng thực thi pháp luật vẫn tăng cường an toàn”, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Weerachon Sukondhapatipak cho hay. “An toàn đường bộ một trong những vấn đề chúng tôi liên tục phải giải quyết không chỉ trong dịp Năm mới”. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thái Lan kiêm Chủ tịch Trung tâm Phòng chống và Giảm thiểu TNGT Suthee Makboon cho rằng, Chính phủ nên rút kinh nghiệm từ thất bại này để chuẩn bị đảm bảo ATGT dịp lễ té nước Songkhran (13-15/4).
An toàn đường bộ phải là quyền cơ bản
Bình luận về thất bại của Chính phủ Thái Lan trong đảm bảo ATGT, ông Ratanawadee H Winther thành viên Chương trình Phát triển Luật pháp (LDP) kiêm Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận về an toàn đường bộ AIP Thái Lan có bài viết trên tờ Bangkok Post với tựa đề: “ATGT là quyền của tất cả mọi người, không phải là đặc quyền”. Theo ông, lý do Thái Lan là nước đứng thứ hai trên thế giới vì số người thiệt mạng do TNGT (ước tính 66 người thiệt mạng/ngày, theo báo cáo của WHO công bố năm 2016) rất đơn giản: Chúng ta đổ lỗi cho những người tham gia giao thông không đội MBH, không hiểu Luật Giao thông, lấn làn, nhưng chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình đã chấp hành đúng hay chưa? Bảo đảm an toàn cho người khác nên là ưu tiên hàng đầu và chúng ta cần một hệ thống công nhận an toàn đường bộ là quyền của tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo.
Ông Winther viết: Người Thái đã nghe rất nhiều những tấm gương về ATGT như tại Thụy Điển (196 người thiệt mạng/năm, chỉ bằng 1% số người thiệt mạng tại Thái Lan) nhưng họ nghĩ, mình không làm được vì Thái Lan khác Thụy Điển. Nhưng, dù chúng ta là người Thái Lan, Thụy Điển hay Đan Mạch, chúng ta đều giống nhau. Chúng ta đều mắc lỗi nên mới cần xã hội xây dựng một hệ thống để bảo vệ và trao quyền cho mọi người.
Theo ông, người Thái Lan chỉ khác một điều: Họ chấp nhận việc thiệt mạng vì TNGT là chuyện bình thường của cuộc sống còn người Thụy Điển, Đan Mạch… thì không. Dựa trên những bài học từ các nước thành công trong giảm thiểu tỉ lệ TNGT đường bộ, điều đầu tiên Thái Lan cần bắt tay làm là thay đổi thái độ. Chúng ta phải công nhận an toàn đường bộ là quyền cơ bản của mỗi người và việc bất cứ ai thiệt mạng vì TNGT đều là điều không thể tha thứ và không thể chấp nhận. Thái Lan cần xây dựng một cơ quan an toàn đường bộ không chỉ nắm thực quyền mà còn phải xuyên suốt từ trung ương tới địa phương. Quan trọng hơn cả, tình hình hoạt động của cơ quan này cần phải được đánh giá hàng năm. Nếu không đạt được mục tiêu thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Đó là cách duy nhất để chúng ta có thể học hỏi và tiếp tục cải thiện tình hình ATGT, ông Winther nói.
Ông Winther cũng nhận định thẳng thắn rằng, tình hình thực thi pháp luật đang rất yếu kém, chủ yếu nằm ở sự quản lý của cảnh sát. Cảnh sát dành ưu tiên hàng đầu vào giảm tắc nghẽn, đồng nghĩa họ chỉ dành 30% thời gian để giám sát việc thực thi Luật Giao thông. Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước khác trên thế giới. Do đó, tăng cường trang thiết bị, tập huấn và đào tạo chuyên môn cho cảnh sát Thái Lan là biện pháp tiếp theo nước này cần thực hiện.
Cuối cùng, ông Winther khuyên Thái Lan đề nghị cần xây dựng một xã hội dân sự mạnh mẽ hơn bởi đây là mẫu số chung trong các nước giảm thiểu TNGT đường bộ thành công. Tức là, cần phải nuôi dưỡng sự phát triển của xã hội dân sự Thái Lan, trong đó trao quyền cho cộng đồng địa phương đặc biệt là những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương (như người đi xe đạp, đi bộ…) tham gia vào nỗ lực đảm bảo ATGT quốc gia. Chẳng hạn, có thể cho phép chính quyền địa phương tự đặt mục tiêu hạn chế tốc độ tùy thuộc vào điều kiện đường bộ và dân số địa phương./.
Theo Báo Giao thông


""

Post a Comment

QC
 
Copyright © 2016 Việt Thái Today
Design by FBTemplates | BTT