Bangkok Vietnam Express
Tin hót

27 Dec 2016

Người mang phong vị Thái về đất Việt

(Vietthatioday) - Một món ăn có nguồn gốc từ Thái Lan nhưng đã… không còn xuất hiện ở đất nước nổi tiếng bởi những điệu múa, từ cổ điển đến hiện đại nữa. Tuy nhiên, những người Việt sinh ra trên đất Thái đã kịp mang về đất mẹ hương vị bùi, ngậy, ngọt, lạ miệng của loại bánh này.
Bao nhiêu nỗi nhớ nơi họ đã “chôn nhau cắt rốn” được nén lại, để rồi lại bung ra mỗi khi cùng nhau gói và hấp một nồi bánh chưng chuối trên quê cha đất tổ…
Người mang phong vị Thái về đất Việt,số 9 Phạm Hồng Thái Sơn Tây Hà Nội
Bà Hợi vừa nói chuyện vừa mang bánh chưng chuối ra mời khách.
Dồn nỗi nhớ vào nồi bánh hấp…
Bánh chưng chuối ở Thái Lan được sử dụng rất nhiều, người Thái đặc biệt dùng để cúng dường cho các nhà sư mỗi khi trong nhà có tang bởi những thành phần đậm chất chay của nó. Nguyên liệu chỉ bao gồm gạo nếp, nước cốt dừa và chuối tây nhưng qua những công đoạn đơn giản như gói, hấp, một món ăn hấp dẫn xuất hiện. Lần đầu tiên được thưởng thức hương vị lạ miệng của bánh chưng chuối, cảm giác thực sự dễ chịu. Vị ngọt thanh của chuối, vị ngậy của nước cốt dừa hòa cùng với gạo nếp khiến ngay sau khi ăn là vị ngọt, bùi đọng lại nơi cuống họng. Người sành ăn thường bảo đó là “hậu vị ngọt” và đó là vị đặc trưng mà bánh trưng chuối mang lại cho mỗi người. Không phải món ăn nào cũng có thể để lại “hậu vị ngọt” như vậy.
Mỗi lần được nói về Thái Lan, về bánh chưng chuối là gương mặt bà Trương Thị Hợi (số 9 Phạm Hồng Thái, Sơn Tây, Hà Nội) sáng bừng lên, nỗi nhớ Thái Lan của bà được dồn hết vào những chiếc bánh chưng chuối và bức hình hai vợ chồng nhà Vua mới qua đời của Thái Lan treo trang trọng trong nhà.
Bà Hợi năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Trong tâm trí của bà, dù chỉ có 16 năm đầu đời sinh sống ở Thái Lan nhưng những ký ức ấy không bao giờ phai mờ. Bây giờ mỗi khi có dịp, bà lại cùng với các bạn, những người từ Thái Lan cùng về Việt Nam vào năm 1963 lại tổ chức “về Thái Lan” để thăm lại nơi “chôn nhau cắt rốn”. “Đó là một tình cảm lạ lùng lắm, nó giống như mối tình đầu mà mình không thể quên được ấy cô ạ” - bà tâm sự. 
Những ngày mới về Việt Nam bà và mọi người hụt hẫng vô cùng vì thời điểm ấy, đất nước vẫn chìm đắm trong chiến tranh, cuộc sống khổ cực. Bà cũng phải gồng mình lên để sống và nỗi nhớ Thái Lan chưa bao giờ ngưng xuất hiện trong tâm trí bà. Nhưng vì cuộc sống, vì tất bật ngày đêm nên nỗi nhớ ấy cũng nguôi ngoai qua mỗi ngày…
Cho đến một ngày của năm 1990, bà không thể đừng lại được nỗi nhớ ấy. Bà nhớ tất cả những món ăn bà đã từng ăn ở thời ấu thơ của mình và bà muốn được ăn, được thưởng thức nó cho thỏa nỗi nhớ. Bà quyết định hấp một nồi bánh chưng chuối. Rất nhanh, bà mang gạo nếp ra đãi, tìm quả dừa để nạo, bóp lấy nước cốt dừa. Chuối chín thời điểm ấy rất sẵn, đủ nguyên liệu là bà say sưa làm. Bắc bếp và hấp cách thủy khoảng 4 tiếng đồng hồ rồi bắt đầu thưởng thức…
Bà vẫn nhớ, hôm ấy, mắt bà cay xè khi ở trên đất mẹ, ăn lại một món ăn quen thuộc trong ký ức êm đềm của mình. Bà vừa ăn vừa nhớ Thái Lan trào nước mắt. Bà chia sẻ nỗi nhớ của mình cho vài người hàng xóm. Ai cũng tấm tắc khen ngon và đề nghị bà làm để họ bán kèm cùng với các thức uống của họ. Ngày đầu tiên bà làm 40 cái, hết veo trong một buổi chiều. Bà phấn khởi lắm vì vừa thỏa mãn được nỗi nhớ của mình, vừa có thêm thu nhập…
Người mang phong vị Thái về đất Việt,số 9 Phạm Hồng Thái Sơn Tây Hà Nội
Nhân bánh chưng chuối là màu đỏ tự nhiên.
Giữ hương vị ký ức…
Bà Hợi cứ tranh thủ làm mỗi ngày, số lượng bánh tăng dần cho đến khi bà nghỉ hẳn công việc cơ quan thì bắt đầu chính thức kinh doanh bánh chưng chuối. Khách hàng của bà ban đầu là những người bán hàng trong chợ Nghệ (cạnh nhà bà), rồi các hội Việt kiều Lào, Thái biết tiếng luôn đặt hàng mỗi dịp hội họp, lễ Tết và các bạn sinh viên trong trường Hữu nghị 78 và 80 ở thị xã Sơn Tây.
Bán hàng, bà được tiếp xúc nhiều với những người có cùng mối liên quan, được nói lại thứ ngôn ngữ Lào, Thái mà bà ít khi được sử dụng lại, dù nhớ. Bà cũng khiến cho các sinh viên của trường Hữu nghị như gặp được người quê mình ở Việt Nam. Gần như sáng nào các sinh viên cũng ghé qua nhà bà để ăn bánh, thậm chí vào mỗi buổi chiều, chúng cũng đến để được “gặp lại hương vị quê nhà” qua bàn tay một người phụ nữ Việt.
Bà kể, những người thân của bà ở Thái Lan về quê chơi thường tấm tắc khen bánh chưng chuối của bà còn “ngon hơn ở Thái”. Bí quyết rất đơn giản thôi. Bà làm bánh từ nỗi nhớ Thái Lan nên bao nhiêu tình cảm bà dồn tất cả vào chiếc bánh. Bây giờ, làm ăn lớn hơn, chuyên nghiệp hơn nên bà càng cẩn thận hơn.
Gạo nếp bà đặt mua là loại gạo ngon, Chuối bà đặt tại vườn, lấy từ lúc còn xanh, dấm hương chờ chín. Nước cốt dừa phải tự tay bà và con gái làm từ những quả dừa già nên rất mất thời gian. Nạo, say rồi ngồi bóp, tỉ mẩn, cẩn thận mới tạo được thứ nước cốt đặc sánh, nguyên vị.
Những quả chuối to chín màu vàng ươm, được bóc vỏ, rồi đặt vào giữa chiếc bánh, nếp được trộn nước cốt dừa, nằm ngoài, bao bọc trọn vẹn quả chuối. 4 tiếng hấp trên bếp là 4 tiếng để gạo chín, chuối tiết ra mật, vị mật chuối quyện với nước cốt dừa, với hương thơm của nếp… Bánh chín rền, dẻo, nhân bánh màu đỏ hồng, vị ngọt bùi, ngậy khiến người ta ăn một lần là nhớ mãi.
Sau này, nhiều người thấy bà làm bánh chưng chuối đông khách, suốt ngày khách gọi đặt hàng, có ngày phải từ chối vì sợ làm không kịp, nên cũng học để làm. Bây giờ, quanh chợ Nghệ Sơn Tây mọc lên không biết bao nhiêu hàng bánh chưng chuối nhưng bà Hợi vẫn giữ được khách của mình. Nhà chùa, Hội Việt kiều đặt hàng thường xuyên. Còn các bạn sinh viên quốc tế phải vòng đi vòng lại con phố Phạm Hồng Thái vài lần mới nhìn thấy bảng hiệu nhà bà bởi nó nhỏ và treo trong chỗ khuất.
Có lẽ bà cũng chẳng thể ngờ, chỉ một lần làm bánh vì nhớ những ngày trên đất Thái mà giờ đây bà lại có công việc thú vị này. Công việc vừa cho bà thu nhập để mỗi lần muốn là có thể “về Thái”, lại vừa thỏa được nỗi nhớ Thái, giữ lại được những hương vị ký ức mà chắc hẳn bà chẳng bao giờ quên...
Theo báo Pháp luật

""

Post a Comment

QC
 
Copyright © 2016 Việt Thái Today
Design by FBTemplates | BTT