(Vietthaitoday)
- Hội nghị không chính thức quan chức cao cấp APEC (ISOM) sẽ diễn ra tại Hà Nội
(8 – 9/12) với sự tham dự của gần 350 đại biểu là các quan chức cao cấp, đại
diện các nền kinh tế thành viên APEC, quan sát viên quốc tế, phóng viên báo chí
nước ngoài… Đây là mốc khởi đầu cho chuỗi sự kiện Năm APEC Việt Nam 2017 đầy
hứa hẹn sắp tới.
APEC
(Diễn đàn kinh tế hợp tác châu Á – Thái Bình Dương) là cơ chế hợp tác kinh tế
hàng đầu ở khu vực, với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Các đại biểu dự hội nghị APEC 2016 tại Peru |
APEC
ra đời vào năm 1989 với 12 nền kinh tế thành viên. Qua 4 lần mở rộng vào các
năm 1991, 1993, 1994, 1998, APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên, đại diện
39% dân số, 57% GDP, và 47% thương mại toàn cầu. Đây là diễn đàn có quy mô lớn
nhất châu Á – Thái Bình Dương, với sự tham gia của các nền kinh tế ở 4 châu lục
gồm: châu Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Đại Dương. Số lượng nhóm làm việc lớn
nhất (50 nhóm) trên nhiều lĩnh vực, đa dạng nhất về hình thức.
Tháng
11/1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC, đánh dấu bước đi
quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Từ khi gia
nhập APEC đến nay, Việt Nam đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong
quá trình hợp tác với các thành viên APEC thông qua việc đưa ra các sáng kiến
mới thuộc ba trụ cột chính của APEC về tự do hoá thương mại, đầu tư; thuận lợi
hoá thương mại và hợp tác kinh tế kỹ thuật. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã và đang
cùng APEC thảo luận, hợp tác nhằm tìm ra những phương hướng giải quyết một cách
tối ưu các vấn đề về kinh tế, chính trị nổi cộm của khu vực và thế giới.
Năm
2017, Việt Nam sẽ lần thứ hai là nước chủ nhà APEC. Theo đó, Việt Nam sẽ tổ
chức khoảng 20 hội nghị lớn và 150 cuộc họp nhóm công tác cấp chuyên gia từ
tháng 12/2016 đến tháng 11/2017, trong đó phải kể đến Hội nghị ISOM (8 – 9/12);
Hội nghị quan chức cao cấp (SOM) và Tuần lễ cao cấp APEC 2017 (05 -
11/11/2017). Các hoạt động lớn của APEC sẽ diễn ra xuyên suốt trong năm 2017 ở
khắp các tỉnh, thành Việt Nam như: Hà Nội, Nha Trang, Quảng Ninh, Cần Thơ, Tp.
Hồ Chí Minh, Huế, Hội An và Đà Nẵng.
Dự
kiến, Năm APEC 2017, Việt Nam sẽ đón khoảng 10.000 đại biểu quốc tế; 1.000 –
2.000 đại diện các tập đoàn kinh tế lớn; 3.000 phóng viên quốc tế. Và để APEC
2017 diễn ra thành công, Việt Nam sẽ huy động khoảng 2.000 tình nguyện viên,
200 sĩ quan liên lạc, hàng chục ngàn cán bộ tham gia công tác an ninh, lễ tân,
hậu cần…
Hội
nghị không chính thức các Quan chức cao cấp APEC (ISOM), hoạt động đầu tiên
trong chuỗi các sự kiện Năm APEC mà Việt Nam tổ chức, sẽ diễn ra tại Hà Nội từ
ngày 08-09/12/2016. Hội nghị ISOM gồm ba hoạt động: Hội thảo về các ưu tiên của
Năm APEC 2017 và Đối thoại với doanh nghiệp về chủ đề ”Cộng đồng doanh nghiệp:
Tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết APEC” (8/12/2016); Hội nghị
ISOM (9/12/2016) có sự tham dự của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam; và Họp báo quốc
tế về Năm APEC Việt Nam 2017, là sự kiện quan trọng mở màn cho Năm APEC 2017.
Cơ
hội vàng cho Việt Nam
Việc
Việt Nam tiếp tục đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 thể hiện sự tín nhiệm
cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định Tầm nhìn chiến lược của Việt
Nam về tương lai châu Á – Thái Bình Dương. Về mặt chính trị, đây là cơ hội lớn
để Việt Nam nâng cao vị thế, tạo thuận lợi để Việt Nam hoàn tất các cam kết
quốc tế, đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế trong thời gian tới như
Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ
2020 – 2021 cũng như nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018.
Với
mong muốn ghi đậm dấu ấn của tiến trình phát triển không ngừng của Diễn đàn
APEC, thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế
giới, Việt Nam đưa ra ý tưởng về định hình hướng đi cho APEC sau năm 2020 thông
qua sáng kiến “Quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì phát triển bền vững
và bao trùm trong thế kỷ 21”; nêu thông điệp về xây dựng APEC vì người dân, vì
doanh nghiệp, phát huy vai trò APEC là cơ chế khởi xướng ý tưởng, là động lực
tăng trưởng và liên kết. Đây là những định hướng và thông điệp phù hợp trong
tình hình hiện nay, được các thành viên đánh giá cao.
Về
mặt kinh tế, theo Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam (VCCI), với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”,
các sự kiện Năm APEC 2017 hướng tới đẩy mạnh liên kết kinh tế, quan hệ thương
mại, đầu tư sâu rộng, tăng cường nỗ lực chung để cải cách cơ cấu, phát huy vai
trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với đổi mới sáng tạo… Thực hiện thành
công chủ đề này, Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ mới sẽ có nhiều tiền đề thuận lợi
để triển khai có hiệu quả chương trình cải cách đầy tham vọng, trên cơ sở khơi
dậy tinh thần đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây cũng là thời điểm
thích hợp để mời bạn bè quốc tế đến đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Việt Nam,
tận dụng cơ hội đang rộng mở. Trong tay “cơ hội vàng” từ APEC, chuỗi sự kiện
Năm 2017 sẽ như một chiến dịch tổng lực về xúc tiến thương mại và đầu tư của
Việt Nam trong thế kỷ 21./.
Vietthaitoday
Post a Comment