Bangkok Vietnam Express
Tin hót

29 Nov 2016

ASEAN với bài toán khó về Biển Đông

[Vietthaitoday] - Thời gian vừa qua, ASEAN đã bộc lộ ít nhiều sự thiếu thống nhất trong phản ứng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Điều này cho thấy Trung Quốc đang trở thành một ngôi sao, một bậc thầy về quấy rối, giật dây chính quyền một số quốc gia trong khu vực.
ASEAN với bài toán khó về Biển Đông, tranh chấp Biển Đông, vấn đề Biển Đông, biển Đông
Ngoại trưởng 10 nước ASEAN và Trung Quốc tại Côn Minh, Vân Nam, ảnh: The Cambodia Daily.
Những tranh cãi về Biển Đông đã đẩy ASEAN vào thế đối mặt trực tiếp về ngoại giao với Trung Quốc. Nhưng thay vì đoàn kết lại và nói tiếng nói chung, ASEAN lại bộc lộ những phản ứng trái ngược, thể hiện ở bốn vấn đề.
Thứ nhất, dường như các nước ASEAN đang dần bị thuyết phục bởi lập luận của Trung Quốc rằng Biển Đông chỉ là công việc giữa nước này với 4 nước có yêu sách chủ quyền, còn các nước khác không cần can thiệp vào. Nếu rơi vào bẫy ngoại giao này, ASEAN sẽ phân rã và mất đi sức mạnh chính trị. Về mặt địa chính trị, tất cả các nước ASEAN đều có lợi ích trong vấn đề Biển Đông bởi vùng biển này là một phần không tách rời của Đông Nam Á.
Thứ hai, rõ ràng trong ASEAN đang thiếu một vai trò lãnh đạo. Trước đây, Tổng thống Suharto của Indonesia là người đóng vai trò quan trọng trong việc đứng ra tập hợp các nước ASEAN và tạo nên tiếng nói chung của khối trên trường khu vực và quốc tế. Hiện tại, việc thiếu một cơ sở chính trị trong nước vững chắc đã ít nhiều ảnh hưởng tới khả năng lãnh đạo khu vực của chính quyền Tổng thống Joko Widodo.
Thứ ba, nhiều nước ASEAN đang đối mặt với những bất ổn chính trị và thách thức kinh tế và điều này đã ngăn trở chính phủ các nước theo đuổi quan điểm độc lập về vấn đề Biển Đông. Lãnh đạo ở Myanmar và Philippines mới lên nắm quyền và chưa phải trải qua nhiều thử thách, trong khi chính quyền quân sự ở Thái Lan vẫn đang vật lộn để khẳng định tính hợp pháp. Cục diện chính trị tại Lào và Campuchia đang rất mong manh, nội bộ Malaysia ngày càng bị chia rẽ, còn Brunei chuẩn bị bước vào quá trình chuyển tiếp cho một vị quốc vương mới.
Thứ tư, tình trạng chính trị yếu kém và sự phụ thuộc về kinh tế đã đẩy chính quyền một số nước ASEAN vào thế chịu ơn Trung Quốc. Do đó, dễ hiểu khi khẳng định Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn trong việc hoạch định chính sách và trở thành kẻ giật dây điều khiển chính quyền các nước này.
Bằng chứng mới nhất là việc Thái Lan giam giữ bất hợp pháp và trục xuất nhà hoạt động sinh viên Joshua Wong của Hồng Kông, có khả năng để đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc. Tại sân bay Bangkok, ông Wong đã bị từ chối nhập cảnh vào Thái Lan để tham dự tọa đàm tại Đại học Chulalongkorn nhân dịp kỉ niệm 40 năm vụ thảm sát sinh viên cánh tả phản đối tại Đại học Thammasat.
Trong khi các cường quốc khác đang tán tỉnh các nước ASEAN trên Biển Đông với các hội nghị thượng đỉnh không chính thức và các cuộc họp (Hoa Kỳ tại Sunnylands, Nga tại Sochi và Nhật Bản), Trung Quốc coi quan hệ với ASEAN đã trở thành trò chơi có người thắng kẻ bại vì Biển Đông và khu vực đã  trở thành những vấn đề địa chính trị không thể thương lượng. Do đó, Trung Quốc sẵn sàng tỏ thái độ khó chịu công khai khi có nước không ủng hộ hoặc chọn thái độ trung lập trong vấn đề Biển Đông. Đó là nguyên nhân gây tranh cãi ngoại giao gần đây giữa Singapore và Trung Quốc về một bài báo trên tờ Global Times.
Dù có thích hay không, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Hoa kỳ về vấn đề Biển Đông cũng đã biến Đông Nam Á trở thành một trong những điểm nóng được quốc tế quan tâm nhất hiện nay; vì lẽ đó, một tổ chức khu vực như ASEAN cần phải có những động thái cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi cho các thành viên.
Lấp đầy khoảng trống quyền lực
Việc chọn bên nào trong cuộc chạy đua giữa các siêu cường thế giới là vấn đề khó phân định đối với những nước nhỏ trong khu vực. Ngay từ khi mới thành lập ASEAN, các thành viên đầu tiên của tổ chức này đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ nền dân chủ phương Tây. Do đó, hiển nhiên số quan chức chính phủ và thành viên lực lương vũ trang của những nước này có xu hướng thân Mỹ và các nước đồng minh. Chỉ có những lãnh đạo mới và chưa có nhiều kinh nghiệm như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể đưa ra quan điểm trái ngược với phần còn lại khi đơn phương chấm dứt liên minh quân sự với Mỹ.
Mặt khác, cũng không thể đổ lỗi cho một số nước ASEAN khi họ tỏ thái độ nước đôi hoặc ủng hộ Trung Quốc trong mâu thuẫn giữa nước này với Mỹ về vấn đề Biển Đông. Việc Mỹ mất dần sức ảnh hưởng tại khu vực này và thay thế bằng Trung Quốc là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều thập kỷ trước, Giáo sư C. Northcote Parkinson của trường Đại học Malaya (Singapore) đã khẳng định rằng sự mục ruỗng của một nền dân chủ sẽ tạo nên khoảng không quyền lực và bắt buộc phải có lực lượng khác đứng lên vào chiếm chỗ.
Trung Quốc không muốn mất đi cơ hội làm bá chủ khu vực này. Điều này lý giải tại sao nước này khởi xướng chương trình Một vành đai, Một con đường nhằm đảm bảo mọi con đường (trên bộ và trên biển) đều hướng tới Bắc Kinh đồng thời nhấn mạnh vai trò lãnh đạo truyền thống của mình.
Sức mạnh mềm của Trung Quốc tiêu tán
Cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến các nước láng giềng cảnh giác, buộc các nước này phải tăng cường tiềm lực quốc phòng và củng cố những quan hệ đồng minh quân sự, chính trị chiến lược. Hình ảnh "tốt đẹp" vốn đã được Trung Quốc gây dựng qua hỗ trợ phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác kinh tế và thương mại đã bị sụp đổ hoàn toàn bởi hành động đơn phương tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Dường như, hành động tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông mà không phân tích ảnh hưởng lâu dài và thiếu sự hiểu biết nhất định về độ nhạy cảm khu vực này của Trung quốc là một thất bại trong chính sách ngoại giao. Bởi lẽ, đối với một khu vực vừa thoát khỏi sự lệ thuộc của thực dân phương Tây, việc thôn tính lãnh thổ biển của Trung Quốc là chủ nghĩa thực dân được ngụy trang và nó không thích hợp đối với lý tưởng của chủ nghĩa Mác. Giới lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc đang gắng sức thể hiện vị thế siêu cường đang lên, bất chấp trước đây Đặng Tiểu Bình đã cảnh báo cũng như chống lại việc vươn lên vị thế siêu cường mà không có được nền tảng phát triển kinh tế ổn định và bền vững./.
Vietthaitoday


""

Post a Comment

QC
 
Copyright © 2016 Việt Thái Today
Design by FBTemplates | BTT