Bangkok Vietnam Express
Tin hót

5 Sept 2016

Một số động thái của Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông thời gian qua

[Vietthaitoday] - Sau khi Tòa Trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7 vừa qua, nhiều người đã kỳ vọng đây sẽ là cơ sở pháp lý có giá trị hướng tới giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở Biển Đông trong tương lai gần.
Tuy nhiên, những động thái gần đây của Trung Quốc và Philippines lại cho thấy, phán quyết của Tòa Trọng tài lại đang mất dần giá trị thực tế của mình.
Phớt lờ phán quyết, Trung Quốc tiếp tục có những động thái làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông
Không những không bị bất ngờ về phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc còn đang lợi dụng phán quyết này như một lý do để thúc đẩy tính “thượng tôn dân tộc’ và gia tăng sự hiện diện của nước này tại các vùng nước đang tranh chấp.
Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc sử dụng đủ mọi chiêu trò nhằm hạn chế sức ảnh hưởng hậu phán quyết. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đăng tải một tuyên bố trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, trong đó coi phán quyết của Tòa Trọng tài là “vô hiệu" và Bắc Kinh không chấp nhận hay thừa nhận nó. Trong một cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu ở Bắc Kinh cuối tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn cho biết nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất hay hành động nào dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài.
Biển Đông, tranh chấp chủ quyền, bồi lấp đảo nhân tạo, Phán quyết của tòa PCA
Trung Quốc tiếp tục bác bỏ PCA - Ảnh: internet
Ngày 02/8, Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc ngang nhiên công bố giải thích tư pháp cho rằng sẽ thực hiện "quyền tư pháp" đối với cái gọi là "vùng biển Trung Quốc quản lý" như Biển Đông và biển Hoa Đông.
Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục âm mưu quân sự hóa các vùng nước đang tranh chấp. Từ ngày 18/7, chỉ vài ngày sau khi có phán quyết, Trung Quốc bắt đầu tuần tra chiến đấu trên các vùng tranh chấp thuộc Biển Đông. Những cuộc tuần tra trên không có sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược, máy bay tiếp dầu và tiêm kích chiếm ưu thế trên không. Không những vậy, dự kiến trong tháng 9, hải quân Trung Quốc sẽ phối hợp với hải quân Nga để tiến hành cuộc tập trận chung tại Biển Đông.
Trung Quốc còn đang phát triển các phương tiện hải quân và hải cảnh với tốc độ chóng mặt. Kể từ tháng 3/2016 đến nay, ít nhất có 9 tàu quân sự có kích thước và năng lực tác chiến đáng kể đã được hoàn thiện đưa vào biên chế. Trung Quốc đang khai thác sử dụng một lực lượng hải cảnh lớn nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong biên chế của lực lượng này có khoảng 200 tàu các kích thước.
Việc tăng cường các tàu hải quân, hải cảnh mới này được coi như một thông điệp rõ ràng cho Nhật Bản, Mỹ và các nước liên quan rằng, hải quân Trung Quốc đang được hiện đại hóa và tăng cường khả năng tấn công nhằm đối phó với bất kỳ sự tấn công chủ lực nào được triển khai trên Biển Đông trong tương lai.
Trung Quốc tiếp tục tăng cường bồi đắp các đảo nhân tạo - Ảnh: Internet
Các hoạt động gần đây của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh không hề có ý định nhượng bộ mà còn đang phớt lờ luật quốc tế và ép các nước liên quan thực hiện đàm phán theo "luật chơi" của mình sau phán quyết. "Trung Quốc có thể đang dùng việc quân sự hóa hơn nữa ở Biển Đông như một đòn bẩy để buộc các nước cùng có tranh chấp bước vào thương lượng bên ngoài khuôn khổ của phán quyết mà Tòa trọng tài đưa ra", Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales cho biết.
Philippines có những bước tiếp cận thận trọng hơn
Thái độ có phần nhún nhường trước Trung Quốc sau phán quyết của Tòa trọng tài, từng khiến nhiều người nghĩ đến viễn cảnh Trung - Philippines sẽ có nhiều cuộc đàm phán chính thức và không chính thức về Biển Đông tiếp theo. Manila có thể tự từ bỏ lợi thế mà họ đã chật vật giành được sau hơn 3 năm theo kiện ở Tòa trọng tài, để đổi lấy cái bắt tay hòa hoãn với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tuy nhiên, những diễn biến mới đây cho thấy, Philippines cũng không dễ bị “nắn gân” như vậy.
Một trong những việc làm đầu tiên của ông Duterte sau khi nhậm chức Tổng thống Philippines là cử cựu Tổng thống Fidel Ramos - một người có mối quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh, làm đặc phái viên sang Hồng Kông đàm phán với các đại diện của Trung Quốc, trong đó có bà Phó Oánh, cựu Thứ trưởng Ngoại giao và hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc.
Viễn cảnh ấy một lần nữa lại hiện rõ vào ngày 23/8 khi Tổng thống Duterte nói rằng, ông chờ đợi cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông sẽ diễn ra trong năm nay. Lãnh đạo Philippines còn nói nước này không có ý định nêu phán quyết (12/7) của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines - Trung Quốc, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane, Lào.
Tuy nhiên đến ngày 24/8, Tổng thống Philipines bất ngờ cảnh báo Trung Quốc rằng “máu sẽ đổ” nếu Bắc Kinh có bất kỳ hành động nào xâm phạm chủ quyền Philippines bằng vũ lực.
Biển Đông, tranh chấp chủ quyền, bồi lấp đảo nhân tạo, Phán quyết của tòa PCA
Tổng thống Philippines Duterte - Ảnh: Internet
Hai ngày sau đó, tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Bộ tư lệnh Miền Đông Mindanao, tại thành phố Davao, miền nam Philippines, ông Duterte tiếp tục gây “sốc” khi khẳng định Philippines sẽ dựa theo phán quyết của Tòa trọng tài trong mọi cuộc đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông. Quan điểm trên của ông cũng được nhấn mạnh trong cuộc hội đàm nhiều giờ với Đại sứ Trung Quốc tại Philippine Triệu Kiến Hoa.
Ở một khía cạnh nào đó, có thể thấy, những phát ngôn và động thái về Biển Đông và mối quan hệ với Trung Quốc của Tổng thống Duterte và chính quyền Philippines là không nhất quán. Tuy nhiên, thực tế Philippines đang phản ứng một cách thận trọng để vừa không làm hỏng cơ hội của chính quyền mới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, vừa không bỏ phí công sức 03 năm theo kiện tại Tòa Trọng tài.
Quan điểm chủ đạo của ông Duterte vẫn là cố gắng đàm phán hòa bình với Trung Quốc trong giới hạn có thể. Philippines có thể “chiều” theo ý Trung Quốc, không chủ động nêu phán quyết của Tòa trọng tài tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế và khu vực. Nhưng khi đàm phán chính thức, Philippines sẽ không dễ để Trung Quốc lấn át, sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của đất nước trên bàn đàm phán.
Sức ảnh hưởng của phán quyết đối với tình hình Biển Đông thời gian qua là không nhiều do Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 không quy định các chế tài đi kèm đối với các trường hợp vi phạm và các phán quyết chỉ mang tính tham khảo. Mặt khác, cách tiếp cận của chính bên thắng cuộc (Philippines) lại có phần dè dặt, chưa thực sự sử dụng phán quyết này để tạo áp lực buộc Trung Quốc phải có những động thái nhượng bộ hơn trên Biển Đông.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng kết quả vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã khơi dậy làn sóng thượng tôn pháp luật trong khu vực và quốc tế. Đây là điểm thuận lợi cho các nước đang có tranh chấp tại Biển Đông với Trung Quốc như Việt Nam lựa chọn các biện pháp đấu tranh dựa trên cơ sở luật quốc tế với Trung Quốc, đồng thời cũng là cơ sở cho các thành viên trong ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng và hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong thời gian tới./.
Vietthaitoday

""

Post a Comment

QC
 
Copyright © 2016 Việt Thái Today
Design by FBTemplates | BTT