[Vietthaitoday] - Người đứng đầu của
hai hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam và Thái Lan đều bày tỏ
mong muốn đẩy mạnh hợp tác hơn nữa nhằm tận dụng thế mạnh lẫn nhau để phát
triển trong bối cảnh giao thương hàng hóa trong khu vực và thế giới ngày càng
gia tăng.
Nội dung này được ghi nhận tại buổi
họp báo chủ đề “Sức mạnh của sự liên kết, chìa khóa cạnh tranh cho ngành
logistics” diễn ra hôm nay, 1-6, tại TPHCM, để giới thiệu về triển lãm
"TILOG – LOGISTIX 2016" nhằm cung ứng dịch vụ logistics và giải pháp
công nghệ trong ngành sẽ diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 9 tới.
Theo lãnh đạo hai hiệp hội này, Cộng
đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) đã thành lập và sắp tới là ASEAN+6 (gồm ASEAN và
sáu nước Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Đô) sẽ mở ra nhiều cơ
hội giao thương hàng hóa trong khu vực, gia tăng thương mại xuyên biên giới,
thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển.
Bàn về chủ đề trên, ông Visarn
Chansate, Chủ tịch Hiệp hội các nhà cung cấp logistics Thái Lan, chỉ ra rằng cả
Thái Lan và Việt Nam đều có thể làm nhiều hơn nữa để đẩy mạnh hợp tác. Theo ông
Chansate, với lợi thế địa lý, sự kết nối của các nhà sản xuất và có chương
trình phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ (đường bộ, đường sắt, hàng
không), Thái Lan có đủ khả năng để trở thành trung tâm logistics trong khu vực
ASEAN.
Theo ông Chansate, ở vị trí là quốc
gia xuất khẩu lớn thứ hai trong khu vực ASEAN, Thái Lan đóng vai trò quan trọng
trong việc phát triển chuỗi cung ứng trong khu vực, đặc biệt là trong điều kiện
đáp ứng các dịch vụ logistics xuyên biên giới. Những dịch vụ này bao gồm vận
chuyển máy móc, linh kiện, phụ tùng cũng như quản lý chức năng chuỗi cung ứng,
từ khâu tìm nguồn cung ứng tới khâu phân phối.
Trong khi đó, các nhà sản xuất nước
ngoài đang tìm kiếm các quốc gia trong khu vực ASEAN để đặt cơ sở với chi phí
sản xuất thấp. "Việt Nam là điểm đến cho các nhà đầu tư trong khu vực
ASEAN+6 mà Thái Lan là trung tâm kết nối, cả hai nước đều có thể là đối tác để
phát triển dịch vụ và cơ sở logistics", ông Chansate nói.
Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội
Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cũng cho rằng Thái Lan và Việt
Nam có vai trò quan trọng để góp phần quản lý hậu cần và chuỗi cung ứng trong
khu vực khi AEC và ASEAN+6 hình thành.
"Thái Lan được xem là một trung
tâm kết nối vận chuyển với các nước trong khu vực, còn Việt Nam thì đang được
đánh giá là một điểm đến của các nhà đầu tư ở ASEAN+6. Do đó, việc đẩy mạnh hợp
tác lĩnh vực logistics của hai nước sẽ thuận lợi hơn trong phát triển ngành và
giảm chi phí", ông Quang nói.
Theo ông Quang, mức độ chuẩn bị và
hội nhập AEC và ASEAN+6 của doanh nghiệp logistics trong nước là tương đối thấp
so với Thái Lan.
Ông Quang cho rằng, Việt Nam cần cơ
sở hạ tầng và dịch vụ logistics phức tạp hơn, mạng lưới giao thông vận tải toàn
cầu mạnh hơn và đặc biệt là giải pháp logistics giá trị gia tăng. Chính phủ
Việt Nam đã thúc đẩy logistics thông qua việc đầu tư nhiều hơn ở các cảng,
đường cao tốc, sân bay, cũng như hải quan điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho
thương mại qua biên giới, thực hiện các thủ tục theo hướng một cửa ASEAN.
"Các hiệp hội cũng nên thực
hiện các thủ tục đơn giản hóa để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư",
ông Quang nói và cho rằng Thái Lan có bề dày phát triển ngành lâu hơn Việt Nam,
nếu doanh nghiệp hai nước hợp tác, doanh nghiệp Việt Nam sẽ học hỏi được kinh
nghiệm và kỹ thuật của doanh nghiệp nước bạn.
Trong khi đó, bà Pittinun
Samanvorawong, Giám đốc và Lãnh sự (thương mại) Thương vụ - Tổng lãnh sự quán
Thái Lan tại TPHCM, nhận định: "Sự kết hợp giữa hai ngành logistics và
giao thông vận tải trong khu vực ASEAN đóng một vai trò rất quan trọng. Và sự
hợp tác ngành logistics giữa Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng cường hiệu quả của
ngành logistics nói chung"./.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Post a Comment