Bangkok Vietnam Express
Tin hót

6 May 2016

Trung Quốc cố vùng vẫy khỏi vòng vây pháp lý

[Vietthaitoday] - Trong tháng 5 này, Tòa trọng tài thường trực PCA sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc. Điều này sẽ một lần nữa dấy lên làn sóng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ khắp châu lục. Trong khi đó, Bắc Kinh đang cố làm mọi cách để thoát khỏi vòng vây pháp lý này.
Động thái vẫy vùng của Trung Quốc
Trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông., Trung Quốc đang có ý đồ thực hiện nhiều động thái quân sự và ngoại giao hòng thể hiện rằng họ đang bám chắc vào tuyên bố phi lý về chủ quyền của mình khi nắm giữ các bãi cạn, rặng san hô ở Trường Sa (mà Bắc Kinh xâm lược, chiếm đóng và quân sự hóa trái phép).
Philipines kiện Trung Quốc về vấn đề biển Đông, Trung Quốc cải tạo trái phép các đảo đá ở Trường Sa, Mỹ tuần tra ở biển Đông
Trung Quốc cải tạo trái phép một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: internet
Được biết, ngày 04/5 vừa qua, hải quân Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc diễn tập quân sự chiến đấu toàn diện ở Biển Đông với sự tham gia của các tàu chiến hiện đại. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tăng cao trong khu vực. Theo các thông tin thu thập được, lực lượng quân sự Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) cũng sẽ tham gia tập trận, cùng với cả một lực lượng từ Hạm đội Bắc Hải. Đây sẽ là một đòn thách thức lớn hướng tới Mỹ và các nước ASEAN – đặc biệt là Việt Nam – trong hoàn cảnh các nước này đang muốn tăng cường lực lượng quân sự nhằm giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông.
Về mặt ngoại giao, Tân Hoa Xã ngày 5/5 đăng bài xã luận của Đại sứ Trung Quốc tại Anh vu cáo Hoa Kỳ và Anh quốc đang cố tình"quân sự hóa Biển Đông". Ông Đại sứ Trung Quốc tiếp tục đánh tráo khái niệm trong vụ kiện của Philippines từ chỗ áp dụng, giải thích sai UNCLOS thành tranh chấp chủ quyền để nói PCA không có thẩm quyền thụ lý.
Việc Hoa Kỳ và Anh quốc kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA được ông Đại sứ chụp mũ thành "can thiệp thô bạo vào Biển Đông".
Mặt khác, Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng tăng cường quan hệ với các nước trong ASEAN hòng lôi kéo sự ủng hộ trong khu vực nhằm chuẩn bị cho phán quyết sắp tới của tòa PCA, điển hình là các cuộc gặp song phương với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Campuchia… Trước đó, Bắc Kinh còn ngang ngược tuyên bố rằng đã đạt được đồng thuận với Brunei, Lào và Campuchia trong vấn đề tranh chấp và vụ kiện ở Biển Đông. Rõ ràng, Trung Quốc lo lắng ASEAN sẽ đưa ra tuyên bố chung sau phán quyết của PCA, qua đó góp phần thừa nhận tính đa phương trong quá trình giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông thời gian qua. Tuy nhiên, tuyên bố này ngay lập tức bị Campuchia phủ nhận.
Như vậy, ý đồ của Trung Quốc đã quá rõ ràng. Một mặt, nước này tăng cường thị uy quân sự tại vùng biển chiếm đóng trái phép nhằm dằn mặt Mỹ, Nhật – các nước đang có ý định tiếp tục triển khai các hoạt động quân sự của mình tại khu vực này. Mặt khác, Trung Quốc gia tăng các hoạt động ngoại giao song phương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước không có tranh chấp chủ quyền với nước này tại Biển Đông như Indonesia, Lào, Campuchia… nhằm tạo ra lá chắn cho mình trước những phán quyết có thể bất lợi cho mình do tòa PCA đưa ra sắp tới.
Hệ quả tất yếu
Mặc dù đang cố dùng mọi cách hòng ngăn chặn những phản ứng bất lợi đối với nước mình sau khi Tòa PCA tuyên bố kết quả vụ kiện, Trung Quốc lại vô tình cho thấy sự yếu thế nhất định trên phương diện pháp lý khi một mực phủ nhận hoạt động của Tòa trọng tài thường trực PCA.
Các phương tiện truyền thông quốc tế, đặc biệt là truyền thông phương Tây, chắc chắn sẽ lên tiếng chỉ trích TQ mạnh mẽ vì không tôn trọng phán quyết của tòa. Mặt khác, tranh chấp biển Đông (trái với kỳ vọng của TQ) sẽ càng trở thành vấn đề trung tâm thu hút sự quan tâm của quốc tế.
Philipines kiện Trung Quốc về vấn đề biển Đông, Trung Quốc cải tạo trái phép các đảo đá ở Trường Sa, Mỹ tuần tra ở biển Đông
Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông bất chấp phản đối của Trung Quốc - Ảnh: internet
Mặc dù đã có sự tác động nhất định, các quốc gia có tuyên bố chủ quyền lẫn các thành viên ASEAN có thể sẽ thể hiện sự thất vọng trước một Bắc Kinh bất tuân phán quyết của tòa, làm gia tăng áp lực và trở ngại lên mối quan hệ song phương ASEAN-TQ. Như vậy, việc TQ từ chối phán quyết của tòa sẽ khiến căng thẳng tại khu vực tranh chấp có xu hướng tăng lên.
Các nước ASEAN sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất trước những hoạt động này của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội nhằm tăng cường sự đoàn kết trong ASEAN cũng như sự tham gia của các nước khác trên thế giới để tạo sự đối trọng với một Trung Quốc ngang ngược./.
                                                                                                      (Cao Thanh)


""

Post a Comment

QC
 
Copyright © 2016 Việt Thái Today
Design by FBTemplates | BTT