Bangkok Vietnam Express
Tin hót

24 May 2016

Khi ma túy "chào thua" ở Tam Giác Vàng: Có tiền là có tất cả

[Vietthaitoday] - Mất khoảng 30 phút trên chiếc tàu chở khách từ Chiang Khong, Thái Lan, băng ngang sông Mekong, chúng tôi đặt chân lên Ton Ppheung, nằm trong vùng “Tam giác vàng”, nơi mấy năm trước vẫn chỉ là một ngôi làng nhỏ giữa rừng già heo hút thuộc tỉnh Bokeo, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Nếu như xưa kia, Tam giác vàng nổi tiếng là một trong những trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất thế giới thì giờ đây, thuốc phiện đã nhường chỗ cho “Đặc khu kinh tế Tam giác vàng” với sòng bạc Kings Romans Casino được xây dựng rất hoành tráng, cộng với một Khu phố Tàu (China Town).
Theo lời anh Xaisomvan, hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư, người dẫn đường cho chúng tôi trong chuyến đi này thì ở Khu phố Tàu, có tiền là có tất cả...
Khu phố Tàu giữa Tam Giác Vàng
Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là chiếc cổng chào rất vĩ đại, chạm trổ hoa văn rồng phượng màu mè với dòng chữ “Khu phố Tàu” bằng 3 thứ tiếng Lào, Trung Quốc, Anh, sơn son thếp vàng mà trong đó, chữ Trung Quốc được viết to nhất như để khẳng định chủ quyền của họ.
Anh Xaisomvan nói: “Ở đây không xài tiền kíp Lào, chỉ xài nhân dân tệ, đồng bạt Thái Lan, đô la Mỹ và các ngoại tệ mạnh khác”. Bên cạnh đó, giờ giấc được tính theo giờ Bắc Kinh, nghĩa là sớm hơn giờ Lào, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan 1 tiếng.
Với tổng diện tích 10.000 héc-ta được Chính phủ Lào cho thuê thời hạn 99 năm, trong đó 3.000 héc-ta dành riêng cho “Đặc khu kinh tế Tam giác vàng”, sòng bạc Kings Romans và Khu phố Tàu chính thức khởi công xây dựng từ 6 năm trước bởi một đại gia tên là Zhao Wei, 64 tuổi, quê ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, với chi phí khoảng 500 triệu USD, bao gồm cả một con đường cao tốc dài 36 km chạy dọc theo sông Mekong đến thị trấn Huay Xai, Lào, đối diện tỉnh Chiang Khong, Thái Lan.
tam giác vàng, ma túy tam giác vàng
Cổng vào khu phố Tàu - Ảnh: Báo công an nhân dân
Nghe nói sắp tới Zhao Wei còn dự định xây một khu công nghiệp và một sân bay quốc tế để du khách có thể đến thẳng nơi này thay vì phải đến Chiang Khong rồi mới sang Lào như hiện nay.
Cũng như các đô thị mới ở Trung Quốc đại lục, Khu phố Tàu Bokeo được quy hoạch rất bài bản. Tại những con đường chính, mặt đường bê tông rộng 10m, hai bên nhà cửa san sát, kiến trúc nửa Tây nửa Tàu - nghĩa là mái lợp ngói âm dương, tường gạch, cửa kính có lắp máy điều hòa không khí. Hầu hết đều được sơn hai màu chủ đạo là màu đỏ và màu hồng - tượng trưng cho sự may mắn và lẽ dĩ nhiên, các bảng hiệu của các quán ăn, nhà hàng, tiệm bách hóa đều được viết bằng chữ Tàu. Ngôn ngữ chính ở đây là tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, Zhao Wei nói: “Chính phủ Lào đã cho chúng tôi bầu trời. Chúng tôi phải đáp lại bằng cách xây dựng một thành phố đẹp để tỏ lòng biết ơn nhân dân Lào!”.
Không chỉ Khu phố Tàu, người Trung Quốc còn đang xây dựng một quần thể chung cư gọi là Ban Kông. Đây là tập hợp của 120 tòa nhà hiện đại, to lớn và giống hệt nhau bởi lớp sơn tường màu vàng. Ông Cheng, chủ một siêu thị mini trong Khu phố Tàu cho chúng tôi biết, sắp tới sẽ có một sân golf, một viện bảo tàng và khách sạn 4 sao nhằm thu hút du khách từ các tỉnh Thái Lan lân cận như Chiang Rai và Chiang Mai.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Lào hiện có khoảng 13 đặc khu kinh tế Trung Quốc nằm rải rác khắp cả nước, trong đó đầy rẫy những sòng bạc, động mãi dâm núp bóng tiệm massage nhưng không chịu bất kỳ sự quản lý nào của chính quyền địa phương, chưa kể những dự án phát triển hạ tầng trị giá hàng tỉ USD do Bắc Kinh đầu tư đang mọc lên tại thủ đô nước Lào.
Trời đã xế chiều, các ngọn đèn đủ màu bắt đầu tỏa sáng. Hướng dẫn viên Xaisomvan cho tôi biết trước khi người Trung Quốc đến, nơi này không có điện, ban đêm chỉ leo lét những ánh đèn dầu: “Thế nhưng hiện tại, nó còn rực rỡ hơn cả Vientain”. Trước đó, hỏi thăm một nhân viên hải quan Lào, tôi được anh cho biết, bình quân mỗi tháng có khoảng 10.000 lượt khách đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, châu Âu, Mỹ...
Theo Xaisomvan, người Việt sang đây chủ yếu là lao động chân tay, làm thuê tại các công trình xây dựng nhưng số lượng không nhiều bởi lẽ công nhân phần lớn đều đến từ Vân Nam, Quảng Tây, Trung Quốc. Lương của họ dao động trong khoảng 800 đến 1.600 USD/tháng tùy theo vị trí. Còn người Việt vào đánh bạc trong casino thì vẫn theo Xaisomvan, anh chưa gặp bao giờ hoặc giả nếu có thì anh cũng chẳng nhận ra bởi lẽ họ không nói tiếng Việt!
tam giác vàng, ma túy tam giác vàng
Tàu thuyền tấp nập vào Casino - Ảnh: Báo công an nhân dân
Hổ, gấu, tê tê... hàng tươi sống!
Sau khi đi một vòng quanh Khu phố Tàu mà tại đó, có những cửa hàng bày bán nguyên con hổ nhồi bông với đầy đủ răng nanh, móng vuốt, hoặc những tấm da hổ đã được thuộc rất kỹ lưỡng cùng vô số những vật kỷ niệm như quạt tay, vòng đeo tay, tẩu hút thuốc, mặt dây chuyền, nhẫn, được làm bằng ngà voi, hoặc những chuỗi hạt được chế tác từ mỏ con chim hồng hoàng mũ cát, Xaisomvan dẫn tôi vào nhà hàng Fantasy Garrett, nơi nổi tiếng với món thịt hổ xào, được người Trung Quốc rất ưa chuộng vì họ tin rằng nó vừa cường dương, lại vừa giúp cho cơ thể dẻo dai như hổ!
Thật vậy, trong cái bể bằng kính rất lớn, nguyên một bộ xương hổ - không thiếu một mẩu nào - ngâm với rượu mà theo lời một nhân viên phục vụ, nó được nấu bằng gạo thuần chất cộng với loại men lá nổi tiếng ở vùng “Thập Vạn Đại Sơn” tỉnh Vân Nam. Dưới đáy, dọc theo thành bể, tôi đếm không dưới hai trăm củ sâm to như củ cải trắng nằm xếp lớp, ngâm chung với rượu và xương hổ. Nhìn vào bức hình trong tấm thực đơn, một đĩa thịt hổ xào chừng hơn chục miếng, mỗi miếng to bằng hai đốt ngón tay có giá 500 nhân dân tệ (tương đương 1.750.000 đồng tiền Việt) còn rượu xương hổ thì mỗi lít là 2.000 tệ (7 triệu đồng tiền Việt).
Theo Xaisomvan, hầu hết hổ này là hổ nuôi: “Để tránh bị luật pháp xử lý vì giết hại động vật có nguy cơ tuyệt chủng, một số bộ tộc Lào theo dõi những con hổ cái suốt một thời gian dài cho đến khi biết chắc là nó đã mang thai. Tiếp theo, lúc hổ cái sinh con khoảng 3 tháng, họ đốt lửa, gõ chiêng, la hét, xua hổ mẹ đi rồi bắt hổ con mang về nuôi. Khi hổ con trưởng thành, họ đem bán cho các nhà hàng Trung Quốc trong đặc khu. Nhiều trường hợp nghe tin ai đó bắt được hổ con thì các chủ nhà hàng Trung Quốc liền nhanh chân tìm đến, đặt tiền cọc trước, đồng thời hướng dẫn người nuôi cho hổ ăn theo một chế độ đặc biệt...”.
Tại nhà hàng Thần Tài, người quản lý giới thiệu với chúng tôi một tấm thực đơn với những món ăn được minh họa rõ ràng bằng hình ảnh cùng giá tiền. Xem qua từng trang, tôi thấy có bàn tay gấu hầm “lục vị đại bổ”, thịt trăn xào lăn, kỳ đà nướng, tê tê tiềm đông trùng hạ thảo, trút hầm sả, rùa hấp, bao tử nhím chưng nhân sâm, súp rắn hổ mang... mà món rẻ nhất cũng là 300 tệ (1.050.000 tiền Việt).
Đặc biệt hơn nữa, còn có món súp vi cá mập nấu với bột mài từ sừng tê giác, được quảng cáo là ăn vào thì bao nhiêu độc tố tích tụ trong người sẽ thải ra hết nhưng giá tiền của nó mới nghe qua, tôi đã thấy ù tai chóng mặt: 15 triệu đồng tiền Việt một chén nhỏ như cái chén ăn cơm. Đắt như thế nhưng 4 người đàn ông ngồi ở chiếc bàn trong góc, mỗi người một chén húp xì xà xì xụp. Xaisomvan cho biết họ ăn để chứng tỏ đẳng cấp của mình, cũng như phô trương quyền lực và sự giàu có.
tam giác vàng, ma túy tam giác vàng
Tay gấu chờ thực khách ở nhà hàng thần tài - Ảnh: Báo công an nhân dân
Theo lời người quản lý, ngoại trừ vi cá mập phải nhập từ một số quốc gia ở châu Phi, còn thì tất cả đều là hàng tươi sống, được cung cấp ngay tại địa phương. Độc đáo hơn nữa, cũng tại nhà hàng này còn có món thịt vòi voi và lớp cơ nằm dưới lòng bàn chân voi - gọi là “dụm” - hầm sâm. Ở cái tủ cấp đông mà mặt trên là lớp thủy tinh trong suốt, tôi nhìn thấy những khúc vòi voi dài khoảng 20cm xếp chồng lên nhau. Để có món “đặc sản” này, dĩ nhiên phải giết cả một con voi.
Qua sự phiên dịch của Xaisomvan, tôi hỏi người quản lý cái phần thịt voi sau khi đã cắt vòi, lóc lấy “dụm” thì dùng để làm gì? Ngẫm nghĩ một lát, ông ta trả lời không biết vì thịt voi vừa dai, vừa hôi mùi cỏ, chắc là vứt đi thôi. Xương và da voi cũng thế, chẳng dùng vào việc gì được.
Theo Luật Bảo vệ động vật hoang dã do Chính phủ Lào ban hành năm 2007, thì việc săn bắt, giết thịt một số động vật như hổ, voi, tê giác, gấu, là phạm pháp. Tuy nhiên, nếu những con vật ấy thuộc thế hệ thứ hai - nghĩa là được sinh ra từ thế hệ vật nuôi thứ nhất thì xem như hợp pháp miễn là người nuôi có đăng ký với cơ quan kiểm lâm.
Xaisomvan nói: “Đất Lào rộng, người thưa, lắm khi đi vài chục km mới gặp một bản làng nên nếu có nuôi hổ hay tê giác mà không trình báo thì cũng chẳng ai biết”.
Không chỉ các cửa hàng bán đồ lưu niệm, mà ngay trong sòng bạc Kings Romans, cũng thấy bày đầy sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã như nanh hổ, nanh heo rừng, da hổ, da báo gấm, ngà voi và sừng tê giác. Về mặt nguyên tắc, cảnh sát Lào hoàn toàn có quyền vào Đặc khu kinh tế Tam giác vàng để kiểm tra, thu giữ, thậm chí khởi tố, bắt giam những người mua bán các loại hàng cấm, đồng thời tịch thu toàn bộ nhưng cô nhân viên trông coi quầy bán da hổ cho biết, từ ngày sòng bạc Kings Roman mở cửa đến nay, cô chưa hề thấy cảnh sát vào đây lần nào.
Theo Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã, có 4 loài ở châu Á mà mức độ tuyệt chủng được liệt vào dạng cực kỳ nguy cấp là tê tê, hổ, gấu và tê giác nhưng cả 4 loài ấy đều đang hiện diện trên bàn ăn ở những nhà hàng trong Đặc khu kinh tế Tam giác vàng!
Và trong khi những người nghèo, nhất là những cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, đang tìm đủ mọi cách để săn bắt động vật hoang dã, từ rùa, rắn, ếch, thậm chí cả chim chóc để kiếm tiền sống qua ngày thì vô hình trung, họ đã biến những cánh rừng với đầy đủ hệ sinh thái thành những cánh “rừng chết”.
Màn đêm buông xuống, cả sòng bạc Kings Romans lẫn Khu phố Tàu rực lên dưới hàng nghìn bóng đèn xanh đỏ. Đang là cao điểm của mùa nóng nên khá nhiều công nhân Trung Quốc tỏa ra đường, vào những quán trà, quán giải khát.  Nếu không có anh chàng Xaisomvan đi bên cạnh, tôi dễ lầm tưởng đây là Thâm Quyến, Quảng Châu hoặc Hải Khẩu bởi lẽ đường phố hầu như không thấy bóng dáng một người Lào nào.
Thật khó để có thể biết được tổng số người Trung Quốc hiện đang sinh sống, làm việc tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng là bao nhiêu nhưng theo một số nguồn tin, nó vào khoảng 50.000. Một vài năm nữa, khi khu công nghiệp và sân bay quốc tế đi vào hoạt động, con số này sẽ là 200.000 người.

Stuart Ling, chuyên gia tư vấn về nông nghiệp tại vùng Bokeo cho biết: “Khác hẳn với những gì viết trong các giấy tờ văn bản, Đặc khu kinh tế Tam giác vàng không thuộc về Lào mà nó tồn tại như một vùng có quyền tự chủ riêng biệt”. Vẫn theo chuyên gia Ling, mặc dù trên danh nghĩa, đặc khu được đồng quản lý bởi Chính phủ Lào và Tập đoàn Romans Hongkong nhưng những hoạt động tài chính lại hết sức bí mật nên chẳng ai biết rõ sự thật về tình hình thu chi tiền bạc tại đây thế nào./.
(Theo Báo Công an nhân dân)

""

Post a Comment

QC
 
Copyright © 2016 Việt Thái Today
Design by FBTemplates | BTT