Bangkok Vietnam Express
Tin hót

17 May 2016

Các thương vụ cá lớn Thái 'nuốt' doanh nghiệp Việt đình đám

[Vietthaitoday] - Các DN Thái Lan đang ngày càng đổ bộ nhiều vào thị trường Việt. Nổi bật là các thương vụ M&A đình đám. Đây được coi là con đường ngắn nhất để các DN Thái có vị thế trên thị trường.
Nhiều thương vụ M&A đình đám do doanh nghiệp Thái Lan thực hiện trong những năm vừa qua cho thấy sự đổ bộ ngày càng nhiều của Thái Lan vào Việt Nam. M&A cũng được cho là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp Thái có vị thế trên thị trường.
SCG mua lại Prime
Cuối tháng 12/2012, Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng). Prime là nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Đây cũng chính là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực vật liệu xây dựng của Việt Nam cho tới nay.
SCG đã mua lại Prime Group - Ảnh: Internet
Đến ngày 15/4/2013, SCG đã chính thức tiếp quản toàn bộ tập đoàn Prime Group. Dự án tại Khu công nghiệp Bình Xuyên là dấu ấn đầu tiên ghi tên tuổi SCG trong ngành vật liệu xây dựng tại thị trường Việt Nam, với số vốn 239,6 triệu USD.
Sau hơn một năm tiếp quản, báo cáo quý II của tập đoàn này cho thấy, doanh thu của SCG tại Việt Nam tăng 19% so với cùng kỳ, chủ yếu từ hoạt động bán hàng của Prime. Lũy kế, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của SCG tại Việt Nam đạt 6.178 tỷ đồng, tương đương 294 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn SCG là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động đa ngành, trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực chính là hóa dầu, giấy, ximăng, vật liệu xây dựng và phân phối. Hiện  SCG có 19 công ty đang hoạt động tại Việt Nam với tổng giá trị tài sản hơn 604 triệu USD.
BJC mua lại Metro, Family Mart và mua cổ phần Vinamilk
Đầu tháng 8/2014, Tập đoàn Metro (Đức) đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan về việc chuyển nhượng mảng kinh doanh sỉ tại Việt Nam. Toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, tổng giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD) sẽ do BJC quản lý.
BJC là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất của Thái Lan với giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán nước này khoảng 88 tỷ Baht (khoảng 2,8 tỷ USD). Hoạt động kinh doanh của BJC được phân thành 5 chuỗi cung ứng chính, gồm bao bì, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật, bán lẻ và chuỗi cung ứng khác. Tập đoàn có 6 văn phòng tại Đông Nam Á với tổng doanh thu trong năm 2013 khoảng 1,3 tỷ USD.
Metro Việt Nam về tay BJC - Ảnh: Internet
Ở một chiều hướng khác, BJC của tỷ phú Charoen và Mongkol Group (Thái Lan) cũng đã mua lại hệ thống FamilyMart tại TP HCM và đổi tên thành B’s mart (B là ký tự đầu tiên của tập đoàn BJC) từ các đối tác Nhật Bản. Chuối FamilyMart đã có hàng chục cửa hàng tại TP.HCM và còn đặt tham vọng phát triển tới 300 cửa hàng vào năm 2016.
Năm 2014, công ty con của BJC là F&N Dairy Investments Pte Ltd (F&N) đã mua cổ phiếu của Vinamilk, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 11,04%, đạt giá trị khoảng 591 triệu USD. Ông chủ của BJC còn ngỏ ý muốn nắm giữ 40% cổ phần tại Sabeco và định giá Sabeco khoảng 2,4 tỷ USD.
Nawaplastic Industries (Saraburi) mua cổ phần các công ty nhựa Việt Nam
Giữa năm 2012, Nawaplastic Industries (Saraburi), công ty chuyên sản xuất và phân phối ống nhựa của Thái Lan và có liên hệ với một đại gia khác của nước này là Tập đoàn Siam Cement (SCG - kinh doanh lĩnh vực vật liệu xây dựng) gây bất ngờ cho giới đầu tư khi hoàn tất việc nắm 22,7% cổ phần của Công ty Nhựa thiếu niên Tiền Phong (NTP) và 16,7% cổ phần của Nhựa Bình Minh (BMP). Đây là 2 công ty chiếm lĩnh thị trường ống nhựa ngoài Bắc và trong Nam.
Singha Group đầu tư 1,1 tỷ USD vào Masan
Singha Group, tập đoàn sản xuất loại bia cùng tên của Thái Lan chi 1,1 tỷ USD để thâu tóm cổ phần hai công ty con của tập đoàn Masan Group. Theo đó, Singha sẽ tiếp quản 25% cổ phần của công ty hàng tiêu dùng Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần trong công ty đồ uống Masan Brewery.
Masan hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam, với mức vốn hóa khoảng 2,5 tỷ USD. Tập đoàn này đang nắm trong tay nhiều thương hiệu như nước tương Chinsu, nước tương Tam Thái Tử, mì ăn liền Omachi...
Singha hiện nằm dưới sự kiểm soát của gia đình tỷ phú Santi Bhirombhakdi, ở hữu hàng loạt thương hiệu như Singha, Leo, B-ing, Purra, Sanvo... Theo tạp chí Forbes, ông Santi hiện là người giàu thứ 7 ở Thái Lan, với giá trị tài sản ròng ước tính đạt 2,9 tỷ USD. Ngoài đồ uống có cồn, Singha còn hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, hàng tiêu dùng và thực phẩm.
Central Group mua cổ phần Nguyễn Kim, thâu tóm BigC
Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan đã mua lại 49% cổ phần Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) – đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Central Group mua lại Big C - Ảnh: internet
Nguyễn Kim được thành lập năm 2001 và hiện có 21 siêu thị điện máy trên cả nước, là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Nguyễn Kim có doanh số bán hàng gần 10,000 tỷ đồng, lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, là một trong những doanh nghiệp bán lẻ điện máy lớn nhất Việt Nam.
Power Buy là thành viên của Central Retail Corporation - công ty chuyên về bán lẻ thuộc Central Group, được điều hành bởi gia đình tỷ phú Thái Lan Chirathivat. Hiện hãng này được đánh giá là một trong những nhà bán lẻ hàng điện máy, điện tử hàng đầu Thái Lan, với hơn 80 cửa hàng trên toàn quốc.
Mới đây nhất là thương vụ mua lại hệ thống Big C Việt Nam của Central Group lợi với mức giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD). Điều tiếc nuối là Saigon Co.op đã thất bại trong cuộc đấu tay đôi ở vòng đấu thầu cuối cùng vì lý do khách quan của cơ chế. Mặc dù thương vụ chỉ hoàn tất trong gần nửa năm, nhưng cuộc chiến thâu tóm này cho thấy sự rượt đuổi quyết liệt để sở hữu chuỗi bán lẻ của các ông lớn.
Như vậy có thể thấy, từ lĩnh vực vật liệu xây dựng, nhựa, thực phẩm đến bán lẻ đều xuất hiện những đối thủ đáng gờm đến từ Thái Lan thông qua các thương vụ M&A. Người Thái đang tạo dựng lợi thế trên thị trường bằng những thương vụ lớn giúp họ có thể dẫn đầu thị trường, dễ dàng xâm nhập thị trường Việt Nam. Đầu tư của Thái Lan ít nhiều mang đến những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế cũng như các lĩnh vực họ tham gia. Tuy nhiên, đây sẽ là áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt, bởi chúng ta đang thua họ về cả kinh nghiệm và tiềm lực tài chính.
(Zing.vn)

""

Post a Comment

QC
 
Copyright © 2016 Việt Thái Today
Design by FBTemplates | BTT