[Vietthaitoday] Sau Tết Nguyên đán Bính Thân, hàng ngàn lao động từ các tỉnh
Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh thuộc khu vực miền Trung của Việt Nam đã đổ xô đến tìm kiếm việc làm tại Thái Lan và Lào với mức thu nhập cao hơn so với trong nước.
Anh Hoàng Ngọc Tân, 23 tuổi tại xã Đức Long, huyện Đức Thọ,
tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng nghề anh đã tìm
được việc làm ở Việt Nam nhưng thu nhập quá thấp không đủ trang trải cho cuộc sống,
anh quyết định sang Lào với hi vọng sẽ kiếm được việc làm với tiền lương cao
hơn. “Một số bạn bè của mình đã tìm được việc làm tại Lào với thu nhập hàng
tháng khoảng 9 triệu đồng. Khi sang Lào, tôi sẽ làm việc chăm chỉ để tiết kiệm
tiền để giúp đỡ cha mẹ và cho cuộc sống hôn nhân của tôi sau này”, anh Tân cho
biết thêm.
Một phụ nữ tên Hương ở xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà cho biết,
sau khi trở về nhà ăn tết chị đã quyết định quay lại làm việc tại Thái Lan vì mức
thu nhập của cô tại đây cao hơn hẳn so với làm công nhân ở Việt Nam. “Sau khi thanh toán hết các khoản
chi phí, tôi có thể tiết kiệm được khoảng 7 triệu đồng từ việc làm bồi bàn tại
một nhà hàng, công việc ở Thái Lan cũng nhẹ nhàng chứ không nặng nhọc”, chị Hương nói.
(Một số lao động Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan - Ảnh: FB Phúc Phũ Phàng)
Ông Nguyễn Đức Thuận, trưởng phòng PA 72 Công an tỉnh Hà
Tĩnh cho biết, chỉ trong ngày làm việc đầu tiên của năm Bính Thân (ngày 15/2 tức
mùng 8 Tết), phòng PA 72 Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận hơn 1.100 hồ sơ làm
hộ chiếu và giấy thông hành xuất ngoại
sang Lào và Thái Lan. Tình trạng này vẫn
tiếp tục tiếp diễn trong các ngày tiếp theo, lượng người đến PA 72 với mong muốn
sớm làm được thủ tục xuất nhập cảnh để sang làm việc tại Thái Lan và Lào vẫn rất
đông. “ Sau Tết Nguyên đán, phòng PA 72 đã phải huy động tất cả cán bộ chiến sỹ
tham gia giải quyết thủ tục cho người lao động đi Lào và Thái Lan. Tất cả cán bộ
PA 72 phải làm việc tới 11h đêm mới có thể chuyển hết dữ liệu ra Cục Quản lý xuất
nhập cảnh”, ông Thuận nói.
(Người lao động làm hồ chiếu tại Hà Tĩnh. Ảnh: internet)
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh
thì hàng năm địa phương này có khoảng hơn 26.000 lao động sang làm việc tại các
nước làng giềng, chủ yếu là sang Lào và Thái Lan. Địa lý thuận lơi, công việc dễ
tìm cùng với việc có người thân, họ hàng ở bản địa là những lý do khiến cho người
lao động Hà Tĩnh sang Lào và Thái Lan ngày càng đông. Thường thì người dân sẽ tới
các nước này bằng hộ chiếu, giấy thông hành chỉ cấp cho số người có nhu cầu làm
việc tại Lào. Mỗi năm, tại Hà Tĩnh có vài nghìn người làm giấy thông hành theo
thời gian yêu cầu nhưng chỉ tối đa được 1 năm. Số lao động sang Thái chủ yếu bằng
hộ chiếu du lịch sau đó ở lại làm thuê không có giấy phép.
Hầu hết lao động Việt Nam tại Thái Lan chủ yếu làm công việc
giúp việc gia đình, nhân viên nhà hàng hoặc làm lao động trong các ngành công nghiệp thủy sản và xây dựng.
Tính trung bình, một người có thể kiếm được từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng một tháng. Một số khác có thể kiếm được từ 10
đến 12 triệu đồng mỗi tháng. Đây là khoản tiền đáng kể so với mức lương trung
bình của 1 công nhân lao động tại địa phương chỉ khoảng 3,8 triệu đồng.
Tại Nghệ An, số lượng lao động bất hợp pháp trên đường tới
các nước láng giềng cũng đang có chiều hướng gia tăng. Ông Đỗ Hữu Trí, phó
phòng PA 72, công an tỉnh Nghệ An cho biết số lượng người đến đăng ký làm hộ
chiếu tăng gấp 5 lần so với trước Tết. Những người lao động này chủ yếu đến từ
các huyện Đô Lương, Con Cuông, Nghi Lộc và Hưng Nguyên.
Tình trạng thiếu hụt lao động trong nước
Trong khi người lao động Việt Nam đấu tranh để kiếm được một
công việc với mức thu nhập khá ở nước ngoài thì nhiều doanh nghiệp trong nước
đang thiếu công nhân. Ông Nguyễn Tiến Hòa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm
Hà Tĩnh, cho biết 35 doanh nghiệp tham gia hội chợ việc làm đầu tiên của tỉnh
Hà Tĩnh chỉ tuyển được khoảng 300 người lao động trong các lĩnh vực kế toán, quản
trị kinh doanh, kỹ thuật cơ khí và công nghệ thông tin. Một số doanh nghiệp gặp
rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên phù hợp bảo gồm cả lao động phổ
thông và lao động đã qua đào tạo, bởi vì có quá ít người đăng ký tìm việc làm tại
trung tâm. Lỗi không phải do chính quyền địa phương không thông báo cho người
dân về vấn đề này mà là do người lao động
đều muốn tìm đến những nơi có tiền lương cao hơn mặc dù phải đối mặt với quá nhiều rủi ro khi làm việc bất hợp pháp. Đặc biệt là khi Chính phủ Thái Lan vừa qua đã ban hành nhiều quy định mới về việc Quản lý công dân nước ngoài lưu trú quá thời hạn.
Post a Comment